Căn cứ cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
(1) Cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên
Việc cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên sẽ được dựa trên các căn cứ như sau:
- Kiểm sát viên đương nhiên bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật công chức và của ngành Kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Vi phạm trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;
+ Vi phạm quy định những việc Kiểm sát viên không được làm theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;
+ Vi phạm về phẩm chất đạo đức;
+ Có hành vi vi phạm pháp luật khác.
(2) Cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm tra viên
Các căn cứ cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm tra viên bao gồm:
- Kiểm tra viên đương nhiên bị cách chức khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật công chức và của ngành Kiểm sát nhân dân, Kiểm tra viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm tra viên khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ;
+ Vi phạm những việc công chức không được làm;
+ Vi phạm về phẩm chất đạo đức;
+ Có hành vi vi phạm pháp luật khác.
Lưu ý:
- Cách chức đối với công chức giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện cần có ý kiến của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và của cấp ủy địa phương cùng cấp.
- Cách chức đối với công chức giữ chức vụ, chức danh thuộc Viện kiểm sát quân sự các cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương quyết định hoặc đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo quy định.
(Điểm 2.1, 2.2 khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 442/QĐ-VKSTC năm 2023)
Cách chức đối với công chức giữ chức danh Kiểm sát viên, Kiểm tra viên sẽ được thực hiện qua 4 bước như sau:
- Bước 1: Khi có căn cứ cách chức, cơ quan, đơn vị sử dụng công chức tổ chức họp kiểm điểm, xác minh, làm rõ sai phạm của công chức. Việc tổ chức họp kiểm điểm được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật đối với công chức và các quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.
- Bước 2: Trên cơ sở kết quả bước 1, cơ quan, đơn vị sử dụng công chức đề xuất cấp có thẩm quyền về việc xem xét cách chức chức danh đối với công chức (qua đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ).
- Bước 3: Đơn vị tham mưu về công tác tổ chức cán bộ trình Ủy ban kiểm sát cùng cấp cho ý kiến về việc cách chức chức danh đối với công chức. Việc cách chức được thực hiện khi có trên 50% tổng số thành viên tán thành; trường hợp đạt tỷ lệ 50% thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng.
- Bước 4: Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính của cấp mình; trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp cách chức Kiểm tra viên.
(Điểm 2.3 khoản 2 Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 442/QĐ-VKSTC năm 2023)