Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
23/01/2024 08:00 AM

Cho tôi hỏi quyết định của Thủ tướng Chính phủ có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? - Duy Phúc (Cần Thơ)

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định những gì?

Theo Điều 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định để quy định:

- Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

- Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?

Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm:

- Hiến pháp.

- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Không ban hành thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Như vậy, quyết định của Thủ tướng Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 34/2016/NĐ-CP thì quyết định của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp sau:

- Phê duyệt chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch;

- Giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho cơ quan, đơn vị;

- Thành lập trường đại học; thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng, ủy ban để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định;

- Khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức;

- Các quyết định khác không có nội dung quy định tại Điều 20 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

3. Trách nhiệm lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Trách nhiệm lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo Điều 20 Nghị định 34/2016/NĐ-CP như sau:

- Trên cơ sở đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được Chính phủ thông qua, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng dự thảo đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

- Việc lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải bảo đảm:

+ Điều kiện soạn thảo và điều kiện thi hành văn bản;

+ Tính khả thi của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh;

+ Tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật;

+ Thứ tự ưu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các đề nghị trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

- Dự thảo đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Chính phủ.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,639

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]