Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
06/02/2024 11:15 AM

Xin hỏi quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu trong lựa chọn nhà đầu tư? - Tuấn Anh (Hà Nội)

Quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu

Hồ sơ dự thầu là toàn bộ tài liệu do nhà thầu, nhà đầu tư lập và nộp cho bên mời thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Căn cứ Điều 62 Luật Đấu thầu 2023 quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu như sau:

(i) Phương pháp đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước được áp dụng để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và hiệu quả phương án đầu tư kinh doanh do nhà đầu tư đề xuất, bao gồm hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

(ii) Việc đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở các tiêu chuẩn sau đây:

+ Tiêu chuẩn đánh giá năng lực của nhà đầu tư về tài chính, khả năng thu xếp vốn, kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh tương tự;

+ Tiêu chuẩn đánh giá phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư, trong đó bao gồm các tiêu chuẩn về kỹ thuật, xã hội, môi trường;

+ Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.

(iii) Đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù về điều kiện đầu tư kinh doanh, quản lý, phát triển ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý ngành, lĩnh vực thì hồ sơ mời thầu xác định tiêu chí cố định trong số các tiêu chuẩn nêu tại điểm (ii).

(iv) Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được xây dựng theo thang điểm 100 hoặc 1.000. Điểm tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa điểm năng lực, kinh nghiệm, điểm phương án đầu tư kinh doanh và điểm hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Nhà đầu tư đáp ứng điểm tối thiểu của từng tiêu chuẩn nêu tại điểm (ii), (iii) và có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.

Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu

Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu (Hình từ internet)

Quy định xét duyệt trúng thầu trong lựa chọn nhà đầu tư

Căn cứ Điều 63 Luật Đấu thầu 2023 quy định về xét duyệt trúng thầu trong lựa chọn nhà đầu tư như sau:

- Nhà đầu tư được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Có hồ sơ dự thầu hợp lệ;

+ Đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm;

+ Đáp ứng yêu cầu về phương án đầu tư kinh doanh;

+ Đáp ứng yêu cầu về hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương;

+ Có điểm tổng hợp về năng lực, kinh nghiệm, phương án đầu tư kinh doanh và hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương cao nhất.

- Đối với nhà đầu tư không được lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư phải nêu lý do nhà đầu tư không trúng thầu.

Quy định bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Căn cứ Điều 6 Luật Đấu thầu 2023 quy định về chính sách bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu như sau:

(1) Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

- Nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế;

- Nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển;

- Nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển;

- Chủ đầu tư, bên mời thầu, trừ trường hợp nhà thầu là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với tính chất gói thầu của cơ quan quản lý nhà nước đó hoặc là công ty thành viên, công ty con của tập đoàn, tổng công ty nhà nước có ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính phù hợp với tính chất gói thầu của tập đoàn, tổng công ty nhà nước đó.

(2) Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính theo quy định nêu trên và với các bên sau đây:

- Các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;

- Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.

(3) Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng, nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhau.

(4) Nhà thầu nêu tại các điểm (1), (2), (3) được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau;

- Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;

- Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên.

(5) Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:

- Cơ quan có thẩm quyền, bên mời thầu;

- Nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho đến ngày ký kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 958

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]