OTD là gì trong mua bán hàng hóa?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
20/02/2024 13:30 PM

Xin cho tôi hỏi cụ thể OTD là gì trong mua bán hàng hóa? - Hồng Long (Hải Phòng)

OTD là gì trong mua bán hàng hóa?

OTD là gì trong mua bán hàng hóa? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

OTD là gì trong mua bán hàng hóa?

OTD là viết tắt của từ On time Delivery có nghĩa là giao hàng đúng hạn.

Theo Điều 37 và 38 Luật Thương mại 2005 cũng quy định về thời hạn giao hàng như sau:

- Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng.

- Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.

- Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.

Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác.

Trách nhiệm khi giao hàng không đúng hạn trong mua bán hàng hóa

Căn cứ Điều 300 và 301 Luật Thương mại 2005, phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm:

- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp kết quả giám định sai.

Đồng thời tại Điều 302 và 303 Luật Thương mại 2005, bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

- Có hành vi vi phạm hợp đồng;

- Có thiệt hại thực tế;

- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Bên cạnh đó tại Điều 307 Luật Thương mại 2005 có quy định về quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại như sau:

- Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật Thương mại 2005 có quy định khác.

- Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật Thương mại 2005 có quy định khác.

Như vậy, khi giao hàng không đúng hạn thì bên vi phạm có trách nhiệm nộp phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp có thỏa thuận phạt vi phạm. Trường hợp không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên vi phạm chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật Thương mại 2005 có quy định khác.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,294

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]