15 thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hiện nay

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
20/02/2024 14:41 PM

Cho tôi hỏi thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hiện nay gồm những ai? Có phải đang đề xuất bổ nhiệm luật sư, giảng viên có trình độ cao được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao? - Tuấn Anh (Đồng Tháp)

Thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hiện nay

Thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hiện nay (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Danh sách thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hiện nay

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là một Hội đồng tập hợp từ 13 đến 17 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam. Thành phần gồm có: Chánh án, các Phó Chánh án Tòa nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khác.

Danh sách các thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hiện nay, gồm có:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Nguyễn Hòa Bình (1958)

Quê quán: Hành Đức, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi

Trình độ chuyên môn: Giáo sư, Tiến sỹ Luật

- Các Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao:

+ Nguyễn Văn Du (1963)

Quê quán: Vệ An, Bắc Ninh

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật

+ Nguyễn Trí Tuệ (1963)

Quê quán: Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh

Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ Luật

+ Nguyễn Văn Tiến (1966)

Quê quán: Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên

Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật

+ Dương Văn Thăng (1969)

Quê quán: Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Nội

Trình độ chuyên môn: Tiến sỹ Luật

- Các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

+ Phạm Quốc Hưng (1973)

Quê quán: Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật

+ Lương Ngọc Trâm (1966)

Quê quán: Hà Nội

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật

+ Ngô Hồng Phúc (1965)

Quê quán: Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội

Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật

+ Lê Văn Minh (1964)

Quê quán: Yên Thái, Yên Định, Thanh Hóa

Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Luật

+ Ngô Tiến Hùng (1962)

Quê quán: xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam

Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật, Cao cấp lý luận chính trị

+ Trần Hồng Hà (1966)

Quê quán: Tiên Lữ, Lập Thạch, Vĩnh Phúc

Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật

+ Nguyễn Văn Dũng (1971)

Quê quán: xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật, Cao cấp lý luận chính trị

+ Đào Thị Minh Thủy (1970)

Quê quán: xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng

Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật, Cao cấp lý luận chính trị

+ Nguyễn Biên Thùy (1970)

Quê quán: xã Mỹ Thạch An, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Luật, Cao cấp lý luận chính trị

+ Nguyễn Hồng Nam (1968)

Quê quán: xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật, Cao cấp lý luận chính trị

Nhiệm vụ, quyền hạn Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Căn cứ Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 nhiệm vụ, quyền hạn Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quy định như sau:

- Số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không dưới mười ba người và không quá mười bảy người; gồm Chánh án, các Phó Chánh án Tòa nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng;

+ Ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật;

+ Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử;

+ Thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân để trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;

+ Tham gia ý kiến đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội;

+ Thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo văn bản pháp luật giữa Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan có liên quan theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật.

- Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thảo luận, thông qua nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.

Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

*Tiêu chuẩn trở thành Thẩm phán

Căn cứ Điều 67 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 tiêu chuẩn để trở thành Thẩm phán:

- Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

- Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

- Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

* Điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo điều 69 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

- Người có đủ tiêu chuẩn tại Điều 67 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

+ Đã là Thẩm phán cao cấp từ đủ 05 năm trở lên;

+ Có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng.

- Người không công tác tại các Tòa án nhưng giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức và có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của luật tố tụng thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Đề xuất bổ nhiệm luật sư, giảng viên có trình độ cao được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao?

Tòa án nhân dân tối cao đang chủ trì xây dựng luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi. Theo đó, Dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi đã đưa ra đề xuất mới, đó là có thể bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ những người không công tác trong ngành tòa án.

Theo Điều 97 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi có 2 trường hợp mới, được xem xét tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bao gồm:

- Người có đủ tiêu chuẩn của Thẩm phán, tuổi từ 45 trở lên, đã là Thẩm phán bậc 6 từ đủ 3 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao.

- Người không công tác tại các tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm  Thẩm  phán  Tòa  án  nhân  dân  tối  cao  khi  thuộc  một  trong  những trường hợp sau đây:

+ Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học,nhà khoa học có trình độ cao về pháp  luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính  trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội -nghề nghiệp, tổ chức xã hội -nghề nghiệp.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,158

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]