Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là gì? 03 điều cần biết về cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của ngân hàng (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó.
Theo Điều 30 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay như sau:
- Phương thức cho vay theo quy định tại khoản 1, 4 và 6 Điều 27 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN):
+ Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay đối với khách hàng và giao kết thỏa thuận cho vay.
+ Cho vay theo hạn mức: Tổ chức tín dụng xác định và thỏa thuận với khách hàng hạn mức cho vay tối đa duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Một năm ít nhất một lần, tổ chức tín dụng xem xét xác định lại hạn mức cho vay tối đa và thời gian duy trì hạn mức này.
+ Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: Tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm.
- Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khoản vay.
Thời hạn cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của ngân hàng theo Điều 31 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thời hạn cho vay trên cơ sở khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay, thời hạn hoạt động còn lại của tổ chức tín dụng.
- Đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.
Quy định về lưu giữ hồ sơ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của ngân hàng theo Điều 32 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
- Tổ chức tín dụng lập hồ sơ cho vay, bao gồm:
+ Hồ sơ đề nghị vay vốn;
+ Thỏa thuận cho vay;
+ Báo cáo tình hình thu nhập của khách hàng trong thời gian vay vốn theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng;
+ Hồ sơ liên quan đến bảo đảm tiền vay;
+ Quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;
+ Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến thỏa thuận cho vay do tổ chức tín dụng hướng dẫn.
- Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ cho vay; thời hạn lưu giữ hồ sơ cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc cho vay, vay vốn của ngân hàng theo Điều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:
- Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng.