Mức cho vay nước sạch năm 2024 là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 3 Quyết định 62/2004/QĐ-TTg (sửa đổi tại Quyết định 18/2014/QĐ-TTg và Quyết định 1205/QĐ-TTg năm 2018) quy định về đối tượng được hưởng tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (còn gọi là vay nước sạch) như sau:
- Hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có đơn xin vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; có cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn và được chính quyền cấp xã xác nhận thì:
+ Được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
+ Mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng/hộ.
+ Thời hạn, điều kiện, thủ tục cho vay và bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
+ Việc xử lý rủi ro và lãi suất cho vay thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo từng thời kỳ.
+ Trong thời gian chưa trả hết nợ, hộ dân không được tự động bán, chuyển nhượng, cầm cố công trình cho người khác.
Trường hợp các hộ dân bán, chuyển nhượng nhà, đất có chung hoặc có riêng các công trình này thì phải có cam kết trả nợ (gốc và lãi), được Ủy ban nhân dân xã và Ngân hàng Chính sách xã hội xác nhận với nguyên tắc người bán phải trả được nợ.
- Đối với các tổ chức kinh tế là chủ đầu tư các dự án đầu tư mới hoặc nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước sạch thuộc khu vực nông thôn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành.
Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Quyết định 62/2004/QĐ-TTg (sửa đổi tại Quyết định 1205/QĐ-TTg năm 2018) thì mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng/hộ.
>> XEM CẬP NHẬT MỚI NHẤT mức cho vay nước sạch từ ngày 02/9/2024 tại bài viết sau: Từ ngày 02/9/2024, mức cho vay nước sạch là 25 triệu đồng trên một công trình
Nguồn vốn cho vay thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Điều 4 Quyết định 62/2004/QĐ-TTg như sau:
- Nguồn vốn huy động theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm.
- Nguồn ODA dành cho Chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo Điều 1 Quyết định 62/2004/QĐ-TTg thì cơ chế tín dụng này nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 104/2000/QĐ-TTg bao gồm các loại dự án sau:
- Các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch;
- Các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn, gồm: hố xí hoặc hố xí kèm bể biogaz, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, rác thải khu vực làng nghề nông thôn.