Hồ sơ thẩm tra đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
07/03/2024 13:43 PM

Xin hỏi thành phần hồ sơ thẩm tra đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính gồm những gì? - Thanh Hoa (Quảng Bình)

Hồ sơ thẩm tra đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

Ủy ban pháp luật của Quốc hội thẩm tra đề án của Chính phủ về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh để báo cáo Quốc hội; thẩm tra đề án của Chính phủ về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Căn cứ khoản 2 Điều 133 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định hồ sơ thẩm tra đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính gồm:

- Tờ trình về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

- Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

- Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

- Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

- Dự thảo nghị quyết thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Hồ sơ thẩm tra đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

Hồ sơ thẩm tra đề án thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (Hình từ internet)

Nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

Căn cứ Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, khoản 30 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 và điểm b khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch 2017 quy định nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như sau:

- Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

- Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

+ Phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt;

+ Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;

+ Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

+ Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;

+ Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính sau đây phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo:

++ Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

++ Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

++ Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

Tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính trong trường hợp nêu trên thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ, Quốc hội.

- Việc giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:

+ Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương hoặc của quốc gia;

+ Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 939

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]