Xác định thứ tự ưu tiên lựa chọn nhà thầu trúng thầu qua mạng và không qua mạng (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Đây là một trong 29 tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng được nêu cụ thể tại Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp sau khi đánh giá, có nhiều nhà thầu được đánh giá tốt nhất, ngang nhau thì xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau cho đến khi lựa chọn được nhà thầu trúng thầu:
(1) Trao thầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);
(2) Trao thầu cho nhà thầu có điểm kỹ thuật cao hơn hoặc có số tiêu chí đánh giá về kỹ thuật ở mức chấp nhận được ít hơn đối với trường hợp gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất; trao thầu cho nhà thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp hơn đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá hoặc phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá;
(3) Trao thầu cho nhà thầu có trụ sở chính ở địa phương nơi triển khai gói thầu;
(4) Trao thầu cho nhà thầu có sử dụng số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật từ 25% trở lên có hợp đồng lao động với thời gian thực hiện hợp đồng từ 03 tháng trở lên, đến thời điểm đóng thầu vẫn còn hiệu lực;
(5) Trao thầu cho nhà thầu có sử dụng số lượng lao động là dân tộc thiểu số từ 25% trở lên có hợp đồng lao động với thời gian thực hiện hợp đồng từ 03 tháng trở lên, đến thời điểm đóng thầu vẫn còn hiệu lực;
(6) Trao thầu cho nhà thầu có sử dụng số lượng lao động là nữ giới từ 25% trở lên có hợp đồng lao động với thời gian thực hiện hợp đồng từ 03 tháng trở lên, đến thời điểm đóng thầu vẫn còn hiệu lực;
(7) Cho phép các nhà thầu này chào lại giá dự thầu để lựa chọn nhà thầu có giá chào thấp nhất. Nhà thầu không được chào giá cao hơn giá nhà thầu đã chào sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có). Việc chào lại giá dự thầu thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;
Điều 131. Xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng
...
8. Trường hợp giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và thuộc danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt thì chủ đầu tư xem xét, quyết định xử lý tình huống theo một hoặc kết hợp lần lượt các cách sau đây:
a) Cho phép các nhà thầu này được chào lại giá dự thầu nếu giá gói thầu đã bao gồm đầy đủ các yếu tố cấu thành chi phí thực hiện gói thầu;
(8) Mời các nhà thầu này tham gia chào giá trực tuyến theo quy trình rút gọn. Nhà thầu không được chào giá cao hơn giá nhà thầu đã chào sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có).
(Khoản 18 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP)
Theo Điều 20 Luật Đấu thầu 2023, có 09 hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm:
- Đấu thầu rộng rãi;
- Đấu thầu hạn chế;
- Chỉ định thầu;
- Chào hàng cạnh tranh;
- Mua sắm trực tiếp;
- Tự thực hiện;
- Tham gia thực hiện của cộng đồng;
- Đàm phán giá;
- Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
Trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định nêu trên, có tính ưu việt, sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, Chính phủ quy định về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.