Hậu quả body shaming là gì? Người body shaming người khác có bị xử phạt không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
07/03/2024 18:00 PM

Xin cho tôi hỏi hậu quả body shaming là gì? Người body shaming người khác có bị xử phạt không? - Tường Vy (Đồng Nai)

Hậu quả body shaming là gì? Người body shaming người khác có bị xử phạt không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Body shaming là gì? 

Hiện không có một định nghĩa cụ thể về Body shaming là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu Body Shaming là hành vi “miệt thị ngoại hình” của người khác thông qua các hành động như: Sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ… nhằm chê bai, chế giễu, đánh giá, phán xét…  một cách ác ý về ngoại hình của người khác khiến họ cảm thấy xấu hổ, tự ti, thậm chí có thể bị tổn thương, cảm thấy bị xúc phạm, bị reo rắc những suy nghĩ tiêu cực, những ám ảnh tiêu cực… 

2. Hậu quả body shaming là gì?

Như đã phân tích ở mục 1, hành vi body shaming người khác có thể khiến họ cảm thấy mặc cảm, buồn bã, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Họ phải nhịn ăn, uống thuốc, tìm đủ mọi cách để đạt được cân nặng, ngoại hình hoàn hảo hơn. 

Theo đó, hậu quả của body shaming có thể chia thành những mức độ như sau:

- Mức độ nhẹ: Nạn nhân có thể sẽ chỉ cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi nghe được những lời chê bai ngoại hình của mình.

- Mức độ nặng hơn: Nạn nhân sẽ nhận nhiều cảm xúc tiêu cực, cực kỳ khó chịu, tức giận với những lời chê bai ngoại hình của mình.

- Mức độ đặc biệt nặng: Nạn nhân sẽ cảm thấy cực kỳ tự ti, nhạy cảm, mặc cảm về ngoại hình và dần dần sẽ xa lánh, không muốn tiếp xúc với những người khác. Thậm chí, nặng nhất là trầm cảm và có thể tự tử hoặc làm ra những hành vi làm bị thương bản thân chỉ vì muốn khắc phục khuyết điểm của bản thân.

Trong một số trường hợp cá biệt, vì muốn thay đổi ngoại hình của bản thân để tránh bị Body shaming mà nhiều người đã tìm đến các biện pháp làm đẹp không an toàn tại các cơ sở thẩm mỹ viện không có uy tín, sử dụng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng… gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người đó.

3. Người body shaming người khác có bị xử phạt không?

3.1 Xử phạt hành chính

Người nào body shaming người khác có thể bị xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;

(Điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác;

(Điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)

Tuy nhiên, xúc phạm nhân phẩm, danh dự đến mức nào thì phải bị xử lý hành chính thì hiện chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Nhưng có thể hiểu, việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự là hình thức Body shaming ở mức độ rất nặng, không còn đơn thuần là những lời nói trêu ghẹo, đùa giỡn thông thường nữa.

Ở đây, Body shaming khiến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân bị xâm phạm và để lại hậu quả nghiêm trọng đến mức bị trầm cảm, thậm chí còn muốn tự tử… thì tuỳ vào từng trường hợp, người vi phạm có thể bị phạt tiền theo các mức nêu trên.

3.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự

Ở mức độ nhẹ hơn, người Body shaming có thể sẽ chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể phải chịu trách nhiệm về Tội làm nhục người khác hoặc Tội vu khống. Cụ thể:

- Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015: Mức phạt từ cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng và nặng nhất đến 05 năm tù nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát,...

- Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015: Hình phạt nhẹ nhất là bịa đặt, loan tin không đúng nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm và nặng nhất là đến 07 năm tù nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc vì động cơ đê hèn; làm nạn nhân tự sát…

3.3 Phải bồi thường thiệt hại

Ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; người có hành vi Body shaming người khác còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu việc Body shaming gây ra thiệt hại cho người đó.

Cụ thể, tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Theo đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. 

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng. Do đó, mức bồi thường tối đa sẽ là 18.000.000 đồng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,731

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]