Bitcoin khi ly hôn có thể phân chia được không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/03/2024 17:45 PM

Cho tôi hỏi tài sản là bitcoin thì khi ly hôn có thể phân chia theo quy định của pháp luật được không? - Thùy Linh (Kiên Giang)

Tài sản là bitcoin, khi ly hôn có thể phân chia được không?

Bitcoin khi ly hôn có thể phân chia được không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bitcoin khi ly hôn có thể phân chia được không?

* Căn cứ vào Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản như sau:

- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai

* Quyền tài sản được quy định tại Điều 115 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

- Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

* Căn cứ khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010:

- Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác

* Tại khoản 6 và 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP thanh toán không dùng tiền mặt sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định:

- Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

- Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định nêu trên.

Ngoài ra, Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định:

- Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Do đó, Bitcoin không phải là vật vì không thể cầm, nắm được, cũng không phải là quyền tài sản, giấy tờ có giá. Bitcoin cũng không được xem là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo quy định của pháp luật hiện hành Bitcoin không được xem là tài sản và việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, dựa theo các quy định của Nhà nước Bitcoin không phải là tài sản nên không thể phân chia như tài sản chung khi hai vợ chồng ly hôn.

Xây dựng khung pháp lý với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo

Ngày 23/02/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 194/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong đó, có xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ. Cụ thể như sau:

- Xây dựng khung pháp lý đối với VAs và VASPs (tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo) và chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó, bao gồm:

+ Nâng cao hiểu biết của cơ quan quản lý, giám sát hiểu rõ rủi ro trong Iĩnh vực này

+ Đào tạo, phổ biến nâng cao hiểu biết, nghĩa vụ của VASP về PCRT / TTKB / TTPBVKHDHL.

- Có các biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo.

- Giao cho Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo. Các bộ, ngành có liên quan phối hợp triển khai theo lĩnh vực quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Thời hạn xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo là tháng 5/2025.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,017

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]