Người làm công tác cơ yếu được hưởng phụ cấp đặc thù cơ yếu như thế nào? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Cơ yếu 2011, công tác cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, do lực lượng chuyên trách đảm nhiệm.
Trong đó:
- Nghiệp vụ mật mã là những biện pháp, quy định, giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ an toàn, bí mật và bảo đảm độ tin cậy của kỹ thuật mật mã.
- Kỹ thuật mật mã là phương pháp, phương tiện có ứng dụng mật mã để bảo vệ thông tin.
Người làm công tác cơ yếu được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù cơ yếu mức: 10%, 15% và 25% so với mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung như sau:
- Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với người làm công tác cơ yếu trực tiếp đảm nhiệm các công việc:
+ Nghiên cứu khoa học công nghệ kỹ thuật mật mã;
+ Mã dịch mật mã;
+ Tác chiến mạng, giám sát an ninh mạng;
+ Chứng thực số.
- Mức phụ cấp 15% áp dụng đối với người làm công tác cơ yếu trực tiếp đảm nhiệm các công việc:
+ Quản lý, chỉ huy, chỉ đạo sử dụng kỹ thuật mật mã;
+ Tham mưu, kế hoạch, huấn luyện, đào tạo, tổ chức xây dựng lực lượng cơ yếu;
+ Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mật mã;
+ Giáo viên tại các nhà trường trong lực lượng cơ yếu;
+ Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, triển khai, cung cấp sản phẩm mật mã;
+ Thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế về cơ yếu.
- Mức phụ cấp 10% áp dụng đối với người làm công tác cơ yếu trực tiếp đảm nhiệm các công việc bảo đảm, phục vụ cho các hoạt động trong lực lượng cơ yếu (không thuộc đối tượng quy định trên).
Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đặc thù cơ yếu.
(Điều 22 Nghị định 32/2013/NĐ-CP)
- Người làm công tác cơ yếu được bảo đảm nhà ở, đăng ký hộ khẩu theo quy định như đối với quân nhân; trường hợp chưa được hưởng chính sách nhà ở, đất ở của Nhà nước thì được ưu tiên hưởng chế độ, chính sách về nhà ở, đất ở theo quy định của pháp luật về nhà ở, đất ở.
- Người được tuyển dụng vào làm công tác cơ yếu chưa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, có học vị Thạc sĩ được xếp lương lần đầu là bậc 2 của bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu; có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư được xếp lương lần đầu là bậc 3 của bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu.
Các trường hợp khác được tuyển dụng vào làm công tác cơ yếu đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính làm căn cứ xếp lương cho phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, thời gian công tác có đóng bảo hiểm bắt buộc đứt quãng thì được cộng đồn.
- Người làm công tác cơ yếu được hưởng chế độ an dưỡng, điều dưỡng hàng năm như đối với quân nhân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
(Điều 23 Nghị định 32/2013/NĐ-CP)