Xúc phạm sự tôn nghiêm của Tòa án bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ Điều 16 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án nhân dân như sau:
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tôn trọng Tòa án.
- Nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, danh dự của Tòa án nhân dân, cản trở hoạt động của Tòa án; người có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định, của pháp luật.
- Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thẩm phán, Hội thẩm có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác và công dân. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức và công dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Thẩm phán, Hội thẩm làm nhiệm vụ.
Theo Điều 21 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định xử phạt đối với hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 21 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15:
+ Xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án;
+ Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án, trừ trường hợp quy định dưới đây.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15.
Lưu ý: Trường hợp hành vi vi phạm của luật sư đến mức phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc xử phạt được áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều 21 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi nêu trên.
Như vậy, hành vi xúc phạm sự tôn nghiêm của Tòa án có thể bị phạt tiền đến 7.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Ngoài ra, đối với Luật sư vi phạm có thể bị phạt 30.000.000 đồng, trường hợp nặng hơn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư.
Tại khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa;
- Hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa phiên tòa đồng ý;
- Gây rối tại phòng xử án;
- Không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở;
- Có thái độ không tôn trọng Hội đồng xét xử;
- Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án không xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác mặc dù đã được nhắc nhở;
- Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án không ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa;
- Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án rời khỏi phòng xử án khi phiên tòa đang diễn ra không có lý do chính đáng và không được chủ tọa phiên tòa đồng ý;
- Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí.
Như vậy, hành vi có thái độ không tôn trọng Hội đồng xét xử có thể bị xử phạt đến 1.000.000 đồng.
Đoàn Đức Tài