Chậm giải quyết kiến nghị của cử tri: Sẽ có chế tài xử lý?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
02/05/2024 15:29 PM

Cho tôi hỏi hiện nay có chế tài xử lý cơ quan, tổ chức chậm giải quyết kiến nghị của cử tri hay không? - Bích Thùy (Hà Nội)

Sẽ có chế tài với hành vi chậm giải quyết kiến nghị của cử tri

Sẽ có chế tài với hành vi chậm giải quyết kiến nghị của cử tri (Hình từ internet)

Xử lý kiến nghị của cử tri chậm: Sẽ có chế tài xử lý?

Về vấn đề này, cử tri có thể tham khảo nội dung trả lời của Bộ Nội vụ tại Công văn 345/BNV-CQĐP năm 2024.

Theo đó, Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai với nội dung như sau:

Khoản 2 Điều 90 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định: “2. Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Hội đồng nhân dân kết quả giải quyết”.

Thực tế, có nhiều nội dung cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị cử tri có chất lượng chưa cao (kiến nghị trả lời chung chung, viện dẫn nhiều văn bản, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết đến cơ quan khác, có nội dung trả lời nhưng không có nội dung giải quyết,...), cử tri không đồng tình dẫn đến nội dung kiến nghị tồn đọng kéo dài gây bức xúc cho cử tri và người dân.

Đề nghị tham mưu Chính phủ trình Quốc hội bổ sung quy định vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015: Thời hạn giải quyết kiến nghị của cử tri, chế tài xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi chậm giải quyết kiến nghị của cử tri.

Với nội dung kiến nghị này Bộ Nội vụ trả lời như sau: Bộ Nội vụ ghi nhận kiến nghị của cử tri nêu trên để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

Xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương.

Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Hội đồng nhân dân kết quả giải quyết.

Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trình Hội đồng nhân dân báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trình Hội đồng nhân dân báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương; Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri ở địa phương đã được gửi đến Hội đồng nhân dân tại kỳ họp trước.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân thảo luận và ra nghị quyết về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

- Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trên địa bàn hoặc về các vấn đề do Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân phân công.

- Tổ đại biểu Hội đồng nhân có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị đóng góp ý kiến cho kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp; tổ chức cho đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân và để đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp sau kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 716

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]