Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện nay

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
04/06/2024 17:00 PM

Các quy định về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện nay được quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020Nghị định 16/2021/NĐ-CP.

Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện nay

Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện nay (Hình từ internet)

Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện nay

Theo quy định tại Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 quy định về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:

- Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020.

- Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:

+ Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

+ Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

+ Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

- Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 này.

Như vậy, thông thường thì chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án được ngân sách nhà nước bảo đảm chi trả. Trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 đã liệt kê bên trên thì sẽ phải chịu chi phí.

Đồng thời, Điều 3 Nghị định 16/2021/NĐ-CP quy định cụ thể các khoản chi phí đối thoại, hòa giải tại tòa án như sau:

- Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 bao gồm:

+ Chi thù lao cho Hòa giải viên, chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải (chi văn phòng phẩm, nước uống, cước phí bưu chính, viễn thông phục vụ trực tiếp việc hòa giải);

+ Các chi phí quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 16/2021/NĐ-CP.

- Đối với vụ việc hòa giải, đối thoại còn lại, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:

+ Chi phí khi các bên tham gia hòa giải, đối thoại thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của Hòa giải viên; chi phí thuê địa điểm và chi phí khác trực tiếp phục vụ việc hòa giải, đối thoại theo thực tế phát sinh;

+ Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc hòa giải, đối thoại có trụ sở theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, thuê phòng nghỉ của Hòa giải viên; chi phí thuê trang thiết bị, máy móc hoặc chi thuê đơn vị, tổ chức có chức năng để phục vụ xem xét hiện trạng tài sản;

+ Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020 bao gồm: chi phí thuê người biên dịch, thuê người phiên dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại.

Mức thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án

- Mức thu cho việc chi thù lao của Hòa giải viên và chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch tại Tòa án quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 16/2021/NĐ-CP là 2.000.000 đồng/01 vụ việc.

- Mức thu để chi các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 16/2021/NĐ-CP xác định như sau:

+ Đối với các khoản chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định: Mức thu căn cứ theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Đối với các khoản chi khác: Mức thu căn cứ theo thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về mua sắm thường xuyên nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị của nhà nước.

(Điều 4 Nghị định 16/2021/NĐ-CP)

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,551

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]