Thẩm quyền quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi hiện nay (Hình từ internet)
Căn cứ khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP:
Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc. Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP;
Vốn vay ưu đãi là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA được quy định tại điểm b khoản 19 Điều 13 Nghị định 114/2021/NĐ-CP này.
Căn cứ Điều 12 Nghị định 114/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 20/2023/NĐ-CP quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi hiện nay như sau:
- Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 17 Luật Đầu tư công 2019.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:
+ Chương trình, dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, trừ chương trình, dự án quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 114/2021/NĐ-CP;
+ Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: chương trình, dự án nhóm A; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
- Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 114/2021/NĐ-CP.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 114/2021/NĐ-CP.
- Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm:
+ Các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 114/2021/NĐ-CP; trong đó các nội dung trong tờ trình và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 114/2021/NĐ-CP đã được hoàn thiện theo báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định;
+ Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định về chủ trương đầu tư chương trình, dự án theo mẫu tại Phụ lục IVb kèm theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP.
- Số lượng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 114/2021/NĐ-CP là 05 bộ tài liệu.
- Thời gian quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
+ Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 20 ngày;
+ Dự án nhóm A: Không quá 15 ngày;
+ Dự án khác không quy định tại điểm a, b của khoản 3 Điều 16 Nghị định 114/2021/NĐ-CP này: Không quá 10 ngày.
- Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(Điều 16 Nghị định 114/2021/NĐ-CP)
Các hoạt động thực hiện trước trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn chuẩn bị đầu tư, bao gồm:
- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khung chính sách tái định cư trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, văn kiện chương trình, dự án và quyết định đầu tư;
- Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
(Điều 17 Nghị định 114/2021/NĐ-CP)
Lê Nguyễn Anh Hào