03 phương thức lựa chọn nhà đầu tư mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
10/06/2024 14:15 PM

Theo Luật Đấu thầu 2023, việc lựa chọn nhà đầu tư có thể áp dụng thông qua 03 phương thức.

03 phương thức lựa chọn nhà đầu tư mới nhất

03 phương thức lựa chọn nhà đầu tư mới nhất (Hình từ Internet)

03 phương thức lựa chọn nhà đầu tư mới nhất

Theo Điều 35 Luật Đấu thầu 2023, việc lựa chọn nhà đầu tư có thể áp dụng thông qua 03 phương thức như sau:

(1) Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ:

- Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế lựa chọn nhà đầu tư;

- Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

- Việc mở thầu được tiến hành một lần đối với toàn bộ hồ sơ dự thầu.

(2) Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ:

- Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu công trình kiến trúc có giá trị theo quy định của pháp luật về kiến trúc;

- Nhà đầu tư nộp đồng thời hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và hồ sơ đề xuất về tài chính riêng biệt theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;

- Việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở ngay sau thời điểm đóng thầu. Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sẽ được mở hồ sơ đề xuất về tài chính để đánh giá.

(3) Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ:

Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù phát triển kinh tế, xã hội của ngành, vùng, địa phương nhưng chưa xác định được cụ thể tiêu chuẩn về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường.

Hướng dẫn xác định tư cách hợp lệ của nhà đầu tư

*Đối với trường hợp nhà đầu tư là tổ chức

Nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

(i) Đối với nhà đầu tư trong nước: là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài: có đăng ký thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài;

(ii) Hạch toán tài chính độc lập;

(iii) Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;

(iv) Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

(v) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu 2023;

(vi) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023;

(vii) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

(viii) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

*Đối với trường hợp nhà đầu tư là cá nhân

Nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

- Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp trong trường hợp pháp luật có quy định;

- Đáp ứng điều kiện quy định tại (vi) và (vii).

(Khoản 1, 3 Điều 5 Luật Đấu thầu 2023)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 917

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]