Tuồn hàng ra ngoài có được trừ tiêu chuẩn mang theo?

04/03/2014 14:19 PM

Trường hợp một hành khách nhập cảnh có hành vi tuồn hàng hóa ra ngoài, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát hải quan bị Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện mới đây, liệu có được trừ tiêu chuẩn theo quy định?


Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục cho hành khách nhập cảnh. Ảnh: T.H

Ngày 13-2, trong khi làm nhiệm vụ giám sát, kiểm soát tại khu vực cửa A nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, công chức Đội Giám sát và Tổ Kiểm soát Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện ông H.N.Q.P. sinh năm 1987, nhân viên Công ty CP vận tải hàng không miền Nam mang theo 1 ba lô đi qua cửa kiểm soát, nhưng không khai báo hải quan.

Sau khi yêu cầu ông P. xuất trình chiếc ba lô mang theo, tổ công tác kiểm tra phát hiện có hàng hóa không khai báo hải quan, gồm: 3 chiếc Ipad, 4 chiếc điện thoại Iphone 4S và 5S, 7.100 USD và một số đồ dùng cá nhân đã qua sử dụng. Ông P.không xuất trình được chứng từ hợp pháp cho số hàng hóa và ngoại tệ nêu trên. Trị giá hàng vi phạm trên 175 triệu đồng.

Theo khai nhận của ông P., số hàng nêu trên của bà T.T.M.N, quốc tịch Việt Nam, nhập cảnh trên chuyến bay NH 931 từ Mỹ qua Nhật về TP.HCM.

Ngày 14-2, Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông P. về hành vi vận chuyển hàng hóa nhập khẩu không có chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan và đề xuất xử phạt theo khoản 2a, khoản 5a, khoản 6 Điều 12, Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15-10-2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Liên quan đến vụ việc trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi tẩu tán hàng hóa để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của hải quan đối với bà T.T.M.N. Bởi vì, sau khi rời máy bay, bà N. đã điện thoại nhờ ông P. mang giúp chiếc ba lô chứa hàng nêu trên ra ngoài bằng lối đi nội bộ của nhân viên sân bay nhằm trốn tránh việc làm thủ tục và kiểm soát của cơ quan Hải quan.

Sau khi giao số hàng và ngoại tệ trên cho ông P. vận chuyển giúp, bà N đã đến khu vực làm thủ tục hải quan cho khách nhập cảnh để làm thủ tục bình thường.

Theo quy định tại Điều 18, Điều 20 Luật Hải quan đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 thì hành lý của người nhập cảnh phải khai và nộp tờ khai hải quan (nếu có) ngay khi phương tiện vận tải đến cửa khẩu nhập. Tuy nhiên, theo hồ sơ thể hiện, bà N. đã không thực hiện đúng trình tự quy định của pháp luật. Cục Hải quan TP.HCM đề xuất xử phạt hành vi này theo khoản 5d, khoản 6, Điều 12 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15-10-2013 của Chính phủ.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, hai đối tượng trên đã có hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, nhưng không vì mục đích kinh doanh kiếm lời mà chỉ mang giùm, cho tặng, vi phạm lần đầu, bà N. là du học sinh đi học ở nước ngoài về thăm gia đình. Hành vi vi phạm của 2 đối tượng đã được cơ quan Hải quan ngăn chặn kịp thời, chưa gây hậu quả. Do cả 2 hành vi vi phạm của ông P. và bà N. để bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật.

Tuy nhiên, việc ban hành quyết định xử phạt đối với 2 đối tượng thì chỉ áp dụng biện pháp phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm đối với ông P. Trong khi đó, có quan điểm cho rằng, về hành vi phạm đã rõ, nhưng cần phải xem xét khi tiến hành lập biên bản vi phạm đối với bà N. vì đối chiếu với quy định hiện hành về tiêu chuẩn hàng hóa, ngoại tệ, hành lý mang theo người để trừ cho bà N. theo tiêu chuẩn quy định hay tịch thu toàn bộ.

Do có nhiều quan điểm trong việc xử lý vụ việc nêu trên, để xử lý vụ việc được chính xác, hợp tình, hợp lý, tránh khiếu nại, khiếu kiện của đối tượng, nên Cục Hải quan TP.HCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan xin ý kiến chỉ đạo hướng xử lý.

Lê Thu

Theo Tổng cục Hải quan

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,618

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]