Trợ giá lúa gạo: Bài học từ Thái Lan

24/02/2014 15:14 PM

Chính phủ nước này cuối cùng đã phải tuyên bố chấm dứt trợ giá lúa gạo.


Nợ của các hộ nông dân ở Thái Lan đã vượt ngưỡng cao nguy hiểm: tương đương 80% GDP

Chính trường Thái Lan lại thêm một lần nữa bất ổn khi nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra đang bị phe đối lập tố cáo là đã lơ là trách nhiệm trong việc triển khai chính sách hỗ trợ giá mua gạo cho nông dân, đồng thời để xảy ra tham nhũng và gây thiệt hại lớn cho ngân sách quốc gia.

Bắt đầu từ năm 2011, chính sách này được xem là một trong những cương lĩnh chính trị quan trọng nhất của bà Yingluck nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nông dân, góp phần mang lại chiến thắng vang dội cho bà. Theo đó, Chính phủ sẽ mua lúa gạo từ nông dân với giá cao hơn 50% so với giá thị trường nội địa. Với vị thế là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, động thái găm hàng này được dự báo sẽ làm giá gạo thế giới tăng mạnh và mang lại lợi nhuận cho Thái Lan.

Tuy nhiên, chính sách trợ giá này đang gây ra những tác dụng ngược cho bà Yingluck, thậm chí ảnh hưởng lớn đến vị thế chính trị của bà. Chính phủ Thái Lan đang phải vật lộn với một lượng gạo tồn kho khổng lồ không thể bán được, trong khi giá lúa gạo thế giới đã không tăng lên như kỳ vọng vì các nước như Việt Nam, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Chính sánh trợ cấp này còn khiến Chính phủ Thái phải chi gần 10 tỉ/USD năm, ảnh hưởng lớn đến cân bằng ngân sách quốc gia. Thậm chí, Chính phủ cũng không có đủ tiền trả cho nông dân và các khoản nợ hiện đã lên đến gần 4 tỉ USD. Việc triển khai chương trình cũng bị cáo buộc là để xảy ra tham nhũng tràn lan. Giờ đây, chính chương trình này là một trong những khuyết điểm mà phe chống đối lợi dụng để biểu tình.

Thiệt hại do các cuộc biểu tình gây ra không hề nhỏ. Thủ đô Bangkok bị tê liệt, các tòa nhà chính phủ bị người biểu tình chiếm và hoạt động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ, hãng sản xuất xe hơi Toyota tuyên bố có thể cân nhắc lại kế hoạch mở rộng đầu tư trị giá 600 triệu USD tại Thái Lan và thậm chí sẽ cắt giảm sản xuất nếu tình trạng bất ổn vẫn kéo dài.

Ngoài việc nguồn cung gạo trên thế giới đang dồi dào khiến giá không thể tăng mạnh, một nguyên nhân quan trọng khác giải thích cho sự thất bại của chương trình này là tâm lý ỷ lại của nông dân. Theo phân tích của tờ Wall Street Journal, nhiều ngôi làng ở nông thôn Thái Lan bất ngờ được bơm đầy tiền mặt. Tin vào sự hỗ trợ của Chính phủ, nông dân trồng lúa ở nước này đã mạnh tay mua sắm, thậm chí là vay để mua sắm và hy vọng sẽ có tiền bán lúa gạo giá cao để trả sau. Kết quả là các khoản nợ của nông dân ngày càng tăng lên.

Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, nợ của các hộ gia đình nước này đã vượt ngưỡng cao nguy hiểm: tương đương 80% GDP. Giờ đây, khi không thể thu được tiền bán gạo cho chính phủ, họ lại trở thành những kẻ cùng đường. Và điều này có thể dẫn đến hậu quả về mặt xã hội tai hại như thế nào chắc các nhà chính trị đều hiểu rõ.

Vậy, khủng hoảng gạo của Thái Lan có mang lại gì cho Việt Nam? Trên thực tế, Việt Nam cũng có chương trình mua tạm trữ gạo một khi giá trên thị trường có nguy cơ xuống thấp. Theo đó, Chính phủ giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam mua tạm trữ 500.000 - 1 triệu tấn gạo mỗi đợt thông qua các doanh nghiệp thành viên và được Nhà nước hỗ trợ lãi suất.

Tuy vậy, các doanh nghiệp này không trực tiếp mua lúa gạo từ nông dân mà chủ yếu qua thương lái và do đó, chính nông dân lại bị ép giá. “Các công ty xuất khẩu và phân phối lương thực vẫn chưa mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân, ví dụ về giá cả. Họ cũng tận dụng các chính sách thu mua lúa gạo của Chính phủ để kiếm lợi một cách chưa được minh bạch”, Giáo sư Võ Tòng Xuân trao đổi với NCĐT.

Quan trọng hơn, việc cố gắng duy trì giá cao trong khi nguồn cung thế giới vẫn đang vượt cầu sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam. Tâm lý ỷ lại vào chương trình trợ giá còn có thể dẫn đến những quy hoạch không theo hướng thị trường, trong đó chính quyền địa phương và nông dân đua nhau quy hoạch và đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, làm cho trình trạng được mùa, mất giá ngày càng trầm trọng. “Có những nơi thay vì quy hoạch trồng lúa thì nên trồng các loại cây khác như đậu nành, bắp, hành lá, khoai lang cho hiệu quả cao hơn. Cứ đua nhau trồng lúa khiến sản lượng dư thừa, giá bán thấp”, ông Xuân nói. Đối với Thái Lan, Chính phủ nước này cuối cùng đã phải tuyên bố chấm dứt trợ giá lúa gạo. Vậy giải pháp nào cho gạo Việt Nam về dài hạn? Ngoài việc khắc phục những hạn chế nêu trên, lời giải tốt nhất có lẽ không phải là trợ giá mà hỗ trợ nông dân để gạo Việt Nam leo lên nấc thang cao hơn về chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ và gia tăng năng suất.

Sơn Nguyễn

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,205

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]