Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
20/07/2024 07:41 AM

Sau đây là thời gian tổ chức Lễ Quốc tang và các nội dung khác trong Lễ Quốc tang theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP.

Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang

Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang (Hình từ Internet)

1. Chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang

Chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang theo Điều 5 Nghị định 105/2012/NĐ-CP như sau:

- Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:

+ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

+ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.

2. Thông báo về Lễ Quốc tang

Theo Điều 6 Nghị định 105/2012/NĐ-CP thì các cơ quan sau đây cùng đứng tên ra thông cáo về Lễ Quốc tang:

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang 

Theo Điều 10 Nghị định 105/2012/NĐ-CP thì thời gian tổ chức Lễ Quốc tang là 02 (hai) ngày. 

Lễ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào hai ngày là ngày 25/7/2024 và ngày 26/7/2024.

Xem thêm: Thông cáo đặc biệt về Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hướng dẫn gửi lời chia buồn về Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua VNeID (sổ tang điện tử)

4. Quy định về đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang

Quy định về đưa tin, đăng tin trên các phương tiện thông tin về Lễ Quốc tang theo Điều 9 Nghị định 105/2012/NĐ-CP như sau:

- Đưa tin buồn

Khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần.

- Đăng tin trên các phương tiện thông tin

+ Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đưa tin về Lễ Quốc tang, gồm: Thông cáo, danh sách Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang; tiểu sử, ảnh người từ trần; nghi thức cả nước để tang; thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng, lời cảm ơn của Ban Lễ tang Nhà nước;

+ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương quay phim tư liệu Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật và truyền hình trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng.

5. Các văn bản về Lễ Quốc tang

Theo Điều 8 Nghị định 105/2012/NĐ-CP quy định Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng và cơ quan chủ quản của người từ trần soạn thảo: Thông cáo về Lễ Quốc tang; danh sách Ban Lễ tang Nhà nước, Ban Tổ chức Lễ tang, tiểu sử người từ trần; Thông báo về Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng; Lời điếu và Lời cảm ơn có ý kiến đóng góp của gia đình người từ trần và được Ban Lễ tang Nhà nước thông qua.

6. Quy định về Lễ truy điệu trong Lễ Quốc tang 

Quy định về Lễ truy điệu trong Lễ Quốc tang theo Điều 16 Nghị định 105/2012/NĐ-CP như sau:

- Thành phần dự Lễ truy điệu gồm: Ban Lễ tang Nhà nước; Ban Tổ chức Lễ tang; gia đình, người thân; đại diện các cơ quan, đơn vị và địa phương của người từ trần.

- Vị trí các đoàn dự Lễ truy điệu

+ Gia đình đứng phía bên trái phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài);

+ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đứng phía bên phải phòng lễ tang (theo hướng nhìn lên lễ đài);

+ Các đoàn đại biểu Bộ, Ban, ngành, đối tượng khác, lực lượng túc trực và đội quân nhạc đứng theo sắp xếp của Ban Tổ chức Lễ tang.

- Chương trình Lễ truy điệu

+ Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ truy điệu;

+ Quân nhạc cử Quốc ca;

+ Trưởng ban Lễ tang Nhà nước đọc lời điếu và tuyên bố phút mặc niệm;

+ Khi mặc niệm, quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”;

+ Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố kết thúc Lễ truy điệu.

- Cùng thời gian diễn ra Lễ truy điệu ở Trung ương, lãnh đạo địa phương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần tổ chức Lễ truy điệu tại địa phương.

>> Xem thêm: Tổng hợp 16 quy định về Lễ Quốc tang hiện nay

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 270,249

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]