Từ chối kiểm tra nồng độ cồn của CSGT có thể bị phạt đến 40 triệu đồng (Hình từ internet)
Theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP thì phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở là một trong những phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đồng thời, khoản 2 Điều 12 Nghị định 135/2021/NĐ-CP cũng nêu rõ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chỉ được lắp đặt, sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của người có thẩm quyền.
Mặc khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Do đó, nếu kế hoạch tuần tra, kiểm soát giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho sử dụng máy đo nồng độ cồn thì dù lái xe không vi phạm, CSGT vẫn có quyền gọi vào thổi nồng độ cồn.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ có thể bị phạt như sau:
Phương tiện |
Mức phạt |
Mức phạt bổ sung |
Căn cứ pháp lý |
Xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô |
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng |
- Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. - Tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày |
Điểm b khoản 10, điểm h khoản 11 Điều 5 và khoản 1 Điều 82 |
Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy |
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng |
- Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. - Tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày |
Điểm g khoản 8, điểm g khoản 10 Điều 6 và khoản 1 Điều 82 |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng |
Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng |
- Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. - Tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày |
Điểm b khoản 9, điểm e khoản 10 Điều 7 và khoản 1 Điều 82 |
Xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), các loại xe thô sơ khác |
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng |
|
Điểm d khoản 4 Điều 8 |