Những lợi ích khi trẻ dưới 14 tuổi làm thẻ căn cước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/07/2024 18:30 PM

Từ 01/7/2024, trẻ em dưới 14 tuổi có thể được làm thẻ căn cước nếu có nhu cầu. Dưới đây là những lợi ích khi trẻ dưới 14 tuổi làm thẻ căn cước.

Những lợi ích khi trẻ dưới 14 tuổi làm thẻ căn cước (Hình từ internet)

1. Từ 01/07/2024, trẻ em dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước

Theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 quy định người được cấp thẻ căn cước bao gồm:

- Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Như vậy, theo quy định nêu trên, trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu.

2. Những lợi ích khi trẻ dưới 14 tuổi làm thẻ căn cước 

Làm thẻ Căn cước cho trẻ em đem lại rất nhiều lợi ích khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính như: 

- Dùng thay thế hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy khai sinh:

Theo Điều 20 Luật Căn cước 2023 quy định thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

Đồng thời, Điều 22 Luật Căn cước 2023 nêu rõ, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

Như vậy, nhờ việc tích hợp nhiều thông tin và giấy tờ lên thẻ Căn cước, cha mẹ khi thực hiện thủ tục hành chính cho con sẽ trở nên vô cùng thuận tiện. Thay vì phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ khác nhau thì chỉ cần sử dụng một chiếc thẻ Căn cước duy nhất.

- Lưu giữ được nhiều thông tin với độ bảo mật cao

Thẻ Căn cước của trẻ em có thể lưu trữ được nhiều thông tin về nhân thân như số định danh cá nhân, ngày sinh, quê quán… và các thông tin sinh trắc học như vân tay, ảnh khuôn mặt, mống mắt…

Thông tin lưu trữ trên thẻ Căn cước của trẻ em có độ bảo mật cao, chỉ có cá nhân, cơ quan có thẩm quyền mới được phép khai thác thông tin trên thẻ căn cước.

Ngoài ra, thẻ căn cước được thiết kế nhỏ gọn, chất liệu làm thẻ Căn cước nói chung đều có độ bền cao, vân nền trên thẻ Căn cước cũng được thiết kế bằng hình ảnh và họa tiết rất tinh xảo, khó có thể làm giả…

3. Thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi

Theo khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước 2023, người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:

- Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;

- Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;.

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,036

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]