10 trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị (Hình từ Internet)
Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các trường hợp được quy định cụ thể trong Điều 9 Thông tư 296/2016/TT-BTC bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết thời hạn.
- Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị thu hồi.
- Trong thời gian kế toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán.
- Kế toán viên hành nghề không còn làm việc và chấm dứt hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
- Hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán hết thời hạn hoặc có các thay đổi dẫn đến không còn bảo đảm là hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian theo quy định tại Điều 4 Thông tư 296/2016/TT-BTC.
- Giấy phép lao động tại Việt Nam của kế toán viên hành nghề là người nước ngoài hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.
- Kế toán viên hành nghề không tiếp tục hành nghề dịch vụ kế toán.
- Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi kế toán viên hành nghề đăng ký hành nghề bị chia, bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập, bị chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản.
- Người bị mất năng lực hành vi dân sự; người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án một trong các tội xâm phạm quản lý kinh tế liên quan đến tài chính, kế toán; người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
- Kế toán viên hành nghề bị chết, mất tích.
Các nguyên tắc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư 296/2016/TT-BTC bao gồm:
- Việc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được thực hiện thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian.
- Người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán phải chịu trách nhiệm về các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, đại diện hộ kinh doanh dịch vụ kế toán và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác nhận thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán phải chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực của thông tin đã xác nhận.
- Các văn bằng, chứng chỉ trong hồ sơ đăng ký nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 8 Thông tư 296/2016/TT-BTC thì việc sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán như sau:
- Người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (sau đây gọi là kế toán viên hành nghề) được hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
- Kế toán viên hành nghề không được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán khi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.