Hóa đơn đầu vào có bắt buộc phải kê khai không? (Hình từ internet)
Hiện hành, pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về hoá đơn đầu vào tuy nhiên có thể hiểu hóa đơn đầu vào là loại hóa đơn được cung cấp khi mua sắm hàng hóa, vật tư và thanh toán dịch vụ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, tại Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư 173/2016/TT-BTC), để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào thì cần đáp ứng điều kiện sau:
- Phải có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào;
- Đối với các hàng hóa, dịch vụ mua vào có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ được khấu trừ thuế khi có kê khai hóa đơn đầu vào.
Như vậy, kê khai hóa đơn đầu vào là quyền của doanh nghiệp, không kê khai hóa đơn đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp (không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng) nhưng đây không phải là hành vi trái pháp luật và cũng không bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện kê khai hóa đơn đầu vào.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải lưu trữ đầy đủ hóa đơn để tránh bị phạt về hành vi làm mất hóa đơn hoặc trốn thuế.
Những trường hợp không phải kê khai, tính thuế giá trị gia tăng theo Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 119/2014/TT-BTC và Thông tư 193/2015/TT-BTC) như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế giá trị gia tăng như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
(2) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp:
- Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế);
- Quảng cáo, tiếp thị;
- Xúc tiến đầu tư và thương mại;
- Môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
- Đào tạo;
- Chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
(3) Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán tài sản.
(4) Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
(5) Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.
Trên hóa đơn giá trị gia tăng, ghi dòng giá bán là giá không có thuế giá trị gia tăng, dòng thuế suất và thuế giá trị gia tăng không ghi, gạch bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì:
Phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác;
Hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
(6) Tài sản cố định đang sử dụng, đã thực hiện trích khấu hao khi điều chuyển theo giá trị ghi trên sổ sách kế toán giữa cơ sở kinh doanh và các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn hoặc giữa các đơn vị thành viên do một cơ sở kinh doanh sở hữu 100% vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì:
Không phải lập hóa đơn và kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng. Cơ sở kinh doanh có tài sản cố định điều chuyển phải có Quyết định hoặc Lệnh điều chuyển tài sản kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản.
Trường hợp tài sản cố định khi điều chuyển đã thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản hoặc điều chuyển cho cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng thì phải lập hóa đơn giá trị gia tăng, kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.
(7) Các trường hợp khác:
Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:
- Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có:
+ Biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết;
+ Biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
- Điều chuyển tài sản giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp; điều chuyển tài sản khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong cơ sở kinh doanh;
Tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hóa đơn.
Trường hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một cơ sở kinh doanh thì cơ sở kinh doanh có tài sản điều chuyển phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng và kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định, trừ trường hợp hướng dẫn tại (6) mục này.
- Thu đòi người thứ 3 của hoạt động bảo hiểm.
- Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.
- Doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng được hưởng từ hoạt động đại lý bán đúng giá quy định của bên giao đại lý hưởng hoa hồng của dịch vụ:
Bưu chính, viễn thông, bán vé xổ số, vé máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy; đại lý vận tải quốc tế; đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải mà được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%; đại lý bán bảo hiểm.
- Doanh thu hàng hóa, dịch vụ và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý bán hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng.
- Cơ sở kinh doanh không phải nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị phía nước ngoài trả lại. Khi cơ sở kinh doanh bán hàng hóa bị trả lại này trong nội địa thì phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định,
- Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước.
Thù lao thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm này là các khoản thù lao nhận được từ hoạt động:
Thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác cho Bộ Lao động và thương binh xã hội; thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan Nhà nước.