Mọi người đều có quyền kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Ảnh: Ngọc Châu
“Quyền làm ăn, quyền kinh doanh là quyền quan trọng của công dân. Luật sửa đổi lần này phải cải thiện được cái đó” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải để công dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, được tạo điều kiện để họ tự do kinh doanh theo khả năng của mình. Cần làm rõ về quy định kinh doanh có điều kiện, không tùy tiện hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vấn đề cử tri quan tâm là tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm pháp luật, lừa đảo trong kinh doanh.
“Quá trình sản xuất, kinh doanh rất phức tạp, nhưng dự luật này chưa thấy nói gì, chưa có quy định để kiểm soát chuyện này. Những lộn xộn, gây phức tạp môi trường kinh doanh, phải có chế tài quy định chặt chẽ vào luật” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cơ quan soạn thảo trả lời, làm rõ vấn đề “Luật này có giải quyết được vấn đề gian lận, vấn đề “doanh nghiệp ma” như vừa qua hay không?”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông giải trình, Luật Doanh nghiệp lần này tăng cường quy định về tính công khai, minh bạch, có chế tài xử lý nghiêm hành vi gian lận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tự mình thẩm định thông tin về đối tác trước khi giao dịch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, cùng hoạt động trong một hành lang pháp lý chung, theo cơ chế thị trường, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ...” – Ông Giàu cho biết.
Trên cơ sở đề nghị đánh giá hiệu quả, rà soát quy định liên quan DNNN, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với nội dung quản trị doanh nghiệp, tăng tính công khai minh bạch trong vấn đề sử dụng vốn tại các tập đoàn.
Đi vệ sinh cũng phải xếp hàng là sao?
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Luật sửa đổi cần có quy định, làm rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhất là vấn đề liên quan chế độ lương, bảo hiểm.
“Ngoài ra, dự thảo cần quy định cụ thể hơn về điều cấm như quy định cấm dùng nhục hình, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người lao động. Quyền lợi chính đáng của người lao động phải được bảo vệ. Không phải sản xuất kinh doanh anh có quyền thu lời bằng bất cứ giá nào. Đi vệ sinh cũng phải xếp hàng, không đúng giờ không cho đi là thế nào? Những vấn đề như vậy cần có quy định cụ thể” – Bà Phóng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, những ngành nghề kinh doanh bị cấm nên quy định chi tiết, rõ hơn, tránh việc lạm dụng quy định tùy tiện. “Vi phạm đạo đức kinh doanh cũng phải có quy định để xử lý, răn đe. Anh làm ăn lộn xộn, bán thịt thối, pha dầu vào xăng hay anh làm thủ trưởng mà lập doanh nghiệp bên ngoài… phải có quy định rất cụ thể để quản lý” – Chủ tịch Quốc hội chốt lại.
Sẽ tiếp tục thí điểm thừa phát lại Sáng 21/4, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS). Tại Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, một trong những vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH là vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong THADS, xã hội hóa hoạt động THADS... Về xã hội hóa hoạt động THADS, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, hiện tại, ngoài chế định Thừa phát lại (đang trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội), Chính phủ chưa đề xuất các hình thức xã hội hóa khác. “Việc bổ sung các nội dung xã hội hóa như dự thảo Luật thực chất là việc luật hóa các quy định đang thực hiện thí điểm. Điều này là trái với quy định và sẽ vô hiệu hóa Nghị quyết nêu trên. Việc có luật hóa vấn đề này hay không sẽ do Quốc hội xem xét, quyết định trên cơ sở tổng kết quá trình thí điểm Thừa phát lại vào cuối 2015. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai thí điểm theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội và chưa quy định nội dung xã hội hóa như dự thảo Luật”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số đại biểu lưu ý, ban soạn thảo cần thể hiện lại một số điểm để đảm bảo tính hợp Hiến và hợp pháp của dự án luật. |
Tuấn Anh
Theo Tiền Phong