Chế độ, chính sách đối với lực lượng tuần tra, canh gác đê trong mùa lũ (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 01/2009/TT-BNN thì chế độ, chính sách đối với lực lượng tuần tra, canh gác đê trong mùa lũ như sau:
- Người tuần tra, canh gác đê được hưởng thù lao, mức thù lao cho lực lượng này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Trước mùa lũ hàng năm các thành viên đội tuần tra, canh gác đê được tập trung huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ tuần tra canh gác, hộ đê, phòng, chống, lụt, bão. Những ngày dự huấn luyện được coi như trực tiếp làm nhiệm vụ và được hưởng mức thù lao theo quy định ở khoản 1 Điều 14 Thông tư 01/2009/TT-BNN.
- Người bị thương, người bị thiệt hại tính mạng trong khi làm nhiệm vụ được xét hưởng chế độ, chính sách như đối với lực lượng vũ trang tham gia hộ đê theo quy định của pháp Luật.
Trang bị dụng cụ, sổ sách của lực lượng tuần tra, canh gác đê trong mùa lũ được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư 01/2009/TT-BNN bao gồm:
- Lực lượng tuần tra, canh gác đê được trang bị:
+ Dụng cụ thông tin, liên lạc, phương tiện phục vụ công tác tuần tra, canh gác đê; dụng cụ ứng cứu như đèn, đuốc, mai, cuốc, xẻng, đầm, vồ… và các dụng cụ cần thiết khác phù hợp với từng địa phương;
+ Sổ sách để ghi chép tình hình diễn biến của đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình quản lý khác; tiếp nhận chỉ thị, nhận xét của cấp trên, phân công, bố trí người tuần tra, canh gác hàng ngày.
- Số lượng dụng cụ, sổ sách tối thiểu được trang bị cho mỗi đội tuần tra, canh gác đê như sau:
+ Về dụng cụ:
++ Áo phao: 06 cái;
++ Áo đi mưa: 18 cái;
++ Xe cải tiến: 02 chiếc;
++ Quang gánh : 10 đôi;
++ Xẻng: 06 cái;
++ Cuốc: 06 cái;
++ Mai đào đất: 02 cái;
++ Xè beng: 01 cái;
++ Dao: 10 con;
++ Vồ: 05 cái;
++ Đèn bão: 05 cái;
++ Đèn ắc quy hoặc đèn pin: 05 cái;
++ Trống hoặc kẻng: 01 cái;
++ Biển tín hiệu báo động lũ: 01 bộ;
++ Đèn tín hiệu báo động lũ: 01 bộ;
++ Tiêu, bảng báo hiệu hư hỏng: 20 cái;
++ Dầu hỏa: 10 lít.
+ Về sổ sách:
++ Sổ ghi danh sách, phân công người tuần tra canh gác theo từng ca, kíp trong ngày; ghi chỉ thị, ý kiến của cấp trên và những nội dung đã báo cáo với cấp trên trong ngày.
++ Sổ nhật ký ghi chép diễn biến của đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê và công trình quản lý khác;
Những sổ sách trên phải giữ gìn cẩn thận, ghi chép rõ ràng và thường xuyên để ở trụ sở của đội (điếm canh đê hoặc nhà dân khu vực gần đê - đối với những khu vực chưa có điếm canh đê); nếu không có lệnh của đội trưởng thì không được mang sổ sách đi nơi khác.
+ Dụng cụ, sổ sách trên được để tại trụ sở của đội và được bàn giao giữa các kíp trực.
- Kinh phí mua sắm dụng cụ, sổ sách quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2009/TT-BNN lấy trong quỹ phòng, chống lụt, bão hoặc ngân sách hàng năm của địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có đê, trước mùa lũ chịu trách nhiệm mua sắm dụng cụ, sổ sách quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2009/TT-BNN để cấp cho các đội tuần tra, canh gác đê.
- Sau mùa lũ, đội trưởng các đội tuần tra, canh gác đê có trách nhiệm tổng hợp, thống kê và trao trả số dụng cụ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2009/TT-BNN để bảo quản theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Các loại sổ sách quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2009/TT-BNN, đội trưởng đội tuần tra, canh gác đê có trách nhiệm bàn giao cho đội chuyên trách quản lý đê Điều để xử lý và bảo quản.
- Việc giao nhận các dụng cụ và sổ sách trên đây phải được lập biên bản để quản lý, theo dõi.