Các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong ứng phó thiên tai năm 2024 (Hình ảnh từ Internet)
Tại Điều 29 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (Sửa đổi tại Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều 2020) quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong ứng phó thiên tai như sau:
- Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn người gặp nguy hiểm tại khu vực có thiên tai xảy ra bao gồm:
+ Sơ tán người ra khỏi nơi nguy hiểm, ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương;
+ Cấp cứu kịp thời người gặp nguy hiểm; tìm kiếm người, phương tiện mất tích;
+ Lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại khu vực có thiên tai để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn;
+ Huy động người, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để tham gia cứu chữa người bị nạn;
+ Dựng các lán trại tạm thời cho người dân bị mất nhà ở;
+ Cấp phát lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước sạch và nhu yếu phẩm thiết yếu;
+ Các biện pháp cần thiết khác phù hợp với đặc điểm thiên tai của địa phương và khu vực.
- Trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn được quy định như sau:
+ Tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm cứu nạn và có trách nhiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;
+ Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương các cấp có trách nhiệm chủ động triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia hỗ trợ;
+ Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chủ động triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý; trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo, đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai hỗ trợ;
+ Các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại một số bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia;
+ Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước; chủ trì phối hợp với lực lượng hỗ trợ của quốc tế và khu vực trong tìm kiếm cứu nạn.
Theo Điều 28 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (sửa đổi bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều 2020) quy định thẩm quyền huy động nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó thiên tai như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị theo phương châm bốn tại chỗ để ứng phó thiên tai và cứu trợ khẩn cấp tại địa phương. Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân cấp trên.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để phục vụ ứng phó thiên tai và cứu trợ khẩn cấp. Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo kịp thời với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.
- Trưởng Ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để phục vụ ứng phó thiên tai và cứu trợ khẩn cấp.
- Trưởng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia quyết định huy động hoặc báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định huy động nguồn lực và biện pháp ứng phó thiên tai trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, bộ, cơ quan ngang bộ.
- Người có thẩm quyền quyết định huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm có trách nhiệm quyết định việc hoàn trả hoặc bồi thường thiệt hại cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được huy động theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai 2013, pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.