Bảo hiểm xe máy năm 2024 và những điều cần biết (Hình từ internet)
Bảo hiểm xe máy là tên thường dùng để chỉ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008.
Đối chiếu theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, bảo hiểm xe máy được thể hiện thông qua giấy chứng nhận bảo hiểm.
Theo đó, mỗi xe cơ giới được cấp 1 Giấy chứng nhận bảo hiểm (có thể dưới dạng giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử). Chủ xe cơ giới bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, có 02 loại bảo hiểm xe máy:
- Ngoài việc tham gia bảo hiểm bắt buộc theo điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng phù hợp với quy định pháp luật.
- Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP mua bảo hiểm trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với quy định pháp luật.
Lưu ý: Trong trường hợp bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với quy định pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì bảo hiểm xe máy có 02 loại đó là bảo hiểm xe máy bắt buộc và bảo hiểm xe máy tự nguyện cụ thể:
- Bảo hiểm xe máy bắt buộc (Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy): Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải tham gia nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Khi xảy ra tai nạn, về nguyên tắc, bảo hiểm xe máy bắt buộc không bồi thường cho chủ xe mà thực hiện bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới.
- Bảo hiểm xe máy tự nguyện: Đây là loại bảo hiểm không bắt buộc, người tham gia giao thông có thể lựa chọn mua hoặc không mua bảo hiểm xe máy tự nguyện. Tuy nhiên nếu tham gia bảo hiểm xe máy tự nguyện, chủ xe sẽ được bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về người (bao gồm cả chủ xe và người đi cùng) khi gặp tại nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp...
Tùy vào loại bảo hiểm mà đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm và mức bồi thường sẽ có sự khác biệt nhất định.
Mức phí bảo hiểm xe máy bắt buộc được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP như sau:
TT |
Loại xe |
Phí bảo hiểm (đồng) (Chưa bao gồm thuế GTGT) |
I |
Mô tô 2 bánh |
|
1 |
Dưới 50 cc |
55.000 |
2 |
Từ 50 cc trở lên |
60.000 |
II |
Mô tô 3 bánh |
290.000 |
III |
Xe gắn máy (bao gồm xe máy điện) và các loại xe cơ giới tương tự |
|
1 |
Xe máy điện |
55.000 |
2 |
Các loại xe còn lại |
290.000 |
Căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm. Mức tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm trên.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP việc mua bảo hiểm xe máy có tác dụng bồi thường những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba và hành khách do xe máy gây ra trong mỗi vụ tai nạn. Trừ một số trường hợp không được bồi thường tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP.
Theo đó, mức bồi thường bảo hiểm xe máy như sau:
- Mức bồi thường về sức khỏe, tính mạng:
Theo điểm a khoản 6 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức bồi thường cụ thể về sức khỏe, tính mạng được xác định theo từng loại thương tật, thiệt hại theo Bảng quy định trả tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này hoặc theo thỏa thuận (nếu có) giữa người được bảo hiểm và người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015), nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP. Trường hợp có quyết định của Tòa án thì căn cứ vào quyết định của Tòa án nhưng không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP.
Trường hợp nhiều xe cơ giới gây tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, mức bồi thường được xác định theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng tổng mức bồi thường không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.
Đối với vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người thứ ba, mức bồi thường bảo hiểm về sức khỏe, tính mạng đối với các đối tượng thuộc người thứ ba bằng 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP hoặc theo thỏa thuận (nếu có) giữa người được bảo hiểm hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015), nhưng không vượt quá 50% mức bồi thường quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP.
- Mức bồi thường về tài sản:
Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, mức bồi thường cụ thể về thiệt hại đối với tài sản trong một vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá giới hạn trách nhiệm bảo hiểm.
Trong đó, mức trách nhiệm bảo hiểm về tài sản do xe máy gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn (theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP).
Như đã phân tích tại mục 1, bảo hiểm xe máy là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông.
Do đó, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự (bảo hiểm xe máy) của chủ xe cơ giới còn hiệu lực có thể bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.