Tránh uống cà phê trước mấy tiếng khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
25/09/2024 15:15 PM

Sau đây là quy định lưu ý về việc uống cà phê, các chất kích thích trước khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Tránh uống cà phê trước mấy tiếng khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự?

Tránh uống cà phê trước mấy tiếng khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự? (Hình từ Internet)

1. Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện sau khi sơ tuyển sức khỏe.

2. Tránh uống cà phê trước mấy tiếng khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự?

Theo Chú dẫn khám tuyển tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP về đo huyết áp (Số 99) khi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự như sau:

- Thống nhất cách đo huyết áp (HA): Theo Quy trình đo huyết áp đúng (Ban hành kèm theo Quyết định 3192/QĐ-BYT ngày 31/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp):

+ Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5-10 phút trước khi đo huyết áp.

+ Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu, bia) trước đó 2 giờ.

+ Tư thế đo chuẩn: Người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu ngang mức với tim. Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế không.

+ Sử dụng huyết áp kế thủy ngân, huyết áp kế đồng hồ hoặc huyết áp kế điện tử (loại đo ở cánh tay). Các thiết bị đo cần được kiểm chuẩn định kỳ. Bề dài bao đo (nằm trong băng cuốn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng quấn đủ chặt, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2 cm. Đặt máy ở vị trí đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức tim.

+ Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả với tốc độ 2 - 3 mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff).

+ Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.

+ Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có con số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.

+ Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10 mmHg, cần đo lại vài phút sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.

+ Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (Holter huyết áp).

+ Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng HA tâm thu/huyết áp tâm trương (ví dụ 126/82mmHg), không làm tròn số quá hàng đơn vị và thông báo kết quả cho người được đo.

- Thống nhất cách phân loại: Nếu huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương không cùng một mức phân loại, thì chọn mức cao hơn để kết luận phân loại (ví dụ: HA tâm thu loại 2, HA tâm trương loại 1, kết luận là loại 2 về huyết áp).

Như vậy, theo quy định nêu trên, để thực hiện đo huyết áp có kết quả chuẩn xác khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì công dân không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu, bia) trước đó 2 giờ.

Lưu ý: Đối với hành vi sử dụng chất kích thích nhằm cố tình làm thay đổi tình trạng sức khỏe của bản thân ngay trước hoặc trong quá trình khám sức khỏe được xem là hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 07/2023/TT-BQP và bị nghiêm cấm theo khoản 3 Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.

Về chế tài, đối với người có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

-  Đối với hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. (Theo Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP))

- Đối với hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt như sau:

+ Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

++ Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

++ Phạm tội trong thời chiến;

++ Lôi kéo người khác phạm tội.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 571

Bài viết về

Nghĩa vụ quân sự - Nghĩa vụ công an 2025

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]