Con đuổi cha mẹ ra khỏi nhà phạm tội gì? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, có thể tham khảo nội dung được Tòa án nhân dân tối cao giải đáp tại Công văn 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.
Vướng mắc: Một người có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp con ở cùng nhà với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” theo quy định tại Điều 158 của Bộ luật Hình sự không?
Giải đáp: Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) không quy định xâm phạm chỗ ở của người khác trong thời gian bao lâu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, người nào thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trường hợp con ở chung với cha mẹ mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, thì hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ” theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 - Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: + Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; + Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; + Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; + Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: + Có tổ chức; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; + Phạm tội 02 lần trở lên; + Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ theo Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 - Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: + Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; + Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo. |
Căn cứ Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.