Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
01/10/2024 06:30 AM

Bài viết sau có nội dung về các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn được quy định trong Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT.

Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn

Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn (Hình từ Internet)

1. Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT thì các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn bao gồm:

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT;

- Phòng bệnh bắt buộc cho động vật bằng vắc-xin được thực hiện đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định tại mục 1 của Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT;

Căn cứ vào đặc điểm dịch tễ, sự lưu hành của các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật trên địa bàn và hướng dẫn phòng bệnh bằng vắc-xin đối với từng bệnh tại các Phụ lục 09, 10, 12, 13, 15, 16, 21 và 22 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định việc phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin đối với bệnh động vật cụ thể quy định tại mục 1.1 của Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT cho phù hợp với điều kiện của địa phương và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng theo mẫu quy định tại mục 3 của Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT.

Ngoài ra, Các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa, ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT phải thực hiện giám sát định kỳ đối với một số bệnh truyền lây giữa động vật và người theo quy định tại mục 2 của Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT.

Căn cứ bệnh động vật quy định tại mục 2.1 của Phụ lục 07 và Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, việc giám sát định kỳ được thực hiện như sau:

- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát bệnh định kỳ đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa do địa phương quản lý;

- Cục Thú y tổ chức giám sát bệnh định kỳ đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa có vốn đầu tư nước ngoài hoặc do Trung ương quản lý. (Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT)

2. Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn trong vùng bị dịch uy hiếp

Việc phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn trong vùng bị dịch uy hiếp được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật Thú y 2015 như sau:

- Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện các biện pháp sau đây:

+ Kiểm soát việc đưa vào, mang ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đã công bố và sản phẩm của chúng;

+ Kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong vùng bị dịch uy hiếp;

+ Tổ chức phòng bệnh bằng vắc-xin và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đã công bố;

+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn.

- Trường hợp vùng biên giới nước láng giềng có dịch bệnh động vật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp sau đây và báo cáo ngay cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

+ Công bố vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 5 km tính từ biên giới và thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Thú y 2015;

+ Quyết định cửa khẩu và động vật, sản phẩm động vật không được phép lưu thông qua cửa khẩu;

+ Quyết định tạm thời cấm trong thời gian có dịch bệnh động vật việc đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đang xảy ra ở nước láng giềng và sản phẩm của chúng;

+ Chỉ đạo các cơ quan có liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến động vật, sản phẩm động vật trong vùng bị dịch uy hiếp; thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cho người, phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu.

- Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện phòng bệnh bằng vắc-xin và các biện pháp phòng bệnh khác cho động vật theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

+ Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, môi trường chăn nuôi;

+ Chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 120

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]