Các lưu ý về thừa kế theo pháp luật?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/10/2024 12:30 PM

Nội dung bài viết trình bày về các trường hợp sẽ được thừa kế theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó là các quy định pháp luật liên quan.

Các lưu ý về thừa kế theo pháp luật?

Các lưu ý về thừa kế theo pháp luật? (Hình ảnh từ Internet)

1. Thừa kế theo pháp luật là gì?

Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015 thì thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

2. Trường hợp nào sẽ được thừa kế theo pháp luật?

Tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp sẽ được thừa kế theo pháp luật bao gồm:

* Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

- Không có di chúc;

- Di chúc không hợp pháp;

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

* Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

3. Các lưu ý về thừa kế theo pháp luật?

3.1. Thứ tự hưởng thừa kế theo pháp luật

Cụ thể tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì  những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

* Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

* Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

3.2. Quy định về thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. 

Ví dụ: Ông M có hai người con: N và O. N đã mất trước ông M và N có hai người con là P và Q. Vậy khi ông M qua đời, P và Q sẽ được hưởng phần di sản mà N lẽ ra được hưởng nếu còn sống.

3.3. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ

- Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015;

Thừa kế giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi cũng được áp dụng quy định về thừa kế thế vị theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.

- Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015; được áp dụng quy định về thừa kế thế vị theo Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.

3.4. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Theo Điều 654 Bộ luật Dân sự 2015 thì con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 (Thừa kế thế vị) và Điều 653 (quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ) Bộ luật Dân sự 2015.

3.5. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác

- Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

- Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

- Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 394

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]