Hướng dẫn đăng ký bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
05/11/2024 22:00 PM

Bài viết sau có nội dung về đăng ký bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được quy định trong Thông tư 37/2019/TT-BCT.

Hướng dẫn đăng ký bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Hướng dẫn đăng ký bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (Hình từ Internet)

Hướng dẫn đăng ký bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 37/2019/TT-BCT thì việc đăng ký bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được thực hiện như sau:

- Sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định điều tra hoặc rà soát vụ việc phòng vệ thương mại, các tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương 2017 có quyền đăng ký tham gia vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với tư cách là bên liên quan.

“Điều 74. Bên liên quan trong vụ việc điều tra

1. Bên liên quan trong vụ việc điều tra bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam bị điều tra;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa bị điều tra;

c) Hiệp hội nước ngoài có đa số thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra;

d) Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hàng hóa bị điều tra;

đ) Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

e) Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự;

g) Hiệp hội trong nước có đa số thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tương tự;

h) Tổ chức, cá nhân khác có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ việc điều tra hoặc có thể giúp ích cho quá trình điều tra hoặc tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

- Bộ Công Thương xem xét quy định thời hạn đăng ký bên liên quan trong từng vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng không ít hơn 60 ngày làm việc kể từ ngày có hiệu lực của quyết định điều tra hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

- Các tổ chức, cá nhân đăng ký theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 37/2019/TT-BCT, gửi tới Cơ quan điều tra trong thời hạn đăng ký quy định tại quyết định điều tra hoặc rà soát việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Phụ lục I

- Sau khi nhận được Đơn đăng ký bên liên quan, trừ trường hợp các tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương 2017, Cơ quan điều tra có trách nhiệm xác nhận chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức, cá nhân là bên liên quan của vụ việc trong thời hạn 07 ngày làm việc. Trong trường hợp không chấp thuận tổ chức, cá nhân là bên liên quan, Cơ quan điều tra nêu rõ lý do.

- Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia bên liên quan sau thời hạn nêu tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 37/2019/TT-BCT, Cơ quan điều tra có quyền xem xét việc chấp thuận hoặc không chấp thuận các tổ chức, cá nhân đó là bên liên quan của vụ việc trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đăng ký của bên liên quan. Trong trường hợp không chấp thuận tổ chức, cá nhân là bên liên quan, Cơ quan điều tra nêu rõ lý do

- Các tổ chức, cá nhân được chấp thuận là bên liên quan có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong vụ việc phòng vệ thương mại

1. Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu có các quyền sau đây:

a) Tiếp cận các thông tin mà các bên liên quan khác cung cấp cho Cơ quan điều tra, trừ những thông tin được bảo mật theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này;

b) Gửi ý kiến về các dự thảo kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng, kết luận rà soát, kết luận điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong thời hạn 07 ngày tính từ ngày Cơ quan điều tra gửi dự thảo để lấy ý kiến;

c) Kiến nghị Cơ quan điều tra gia hạn thời hạn cung cấp thông tin, gia hạn thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra;

d) Yêu cầu bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này;

đ) Tham gia phiên tham vấn và trình bày quan điểm, cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc phòng vệ thương mại;

e) Ủy quyền cho bên khác thay mặt mình tham gia quá trình giải quyết vụ việc phòng vệ thương mại;

g) Yêu cầu Cơ quan điều tra tổ chức phiên tham vấn riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định này;

h) Khiếu nại, khởi kiện các quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo quy định pháp luật về khiếu nại, khởi kiện của Việt Nam.

2. Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời những chứng cứ, thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến yêu cầu của mình;

b) Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời những chứng cứ, thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra;

c) Thi hành các quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

3. Các bên liên quan theo quy định tại Điều 74 của Luật Quản lý ngoại thương không phải là Bên yêu cầu hoặc Bên bị yêu cầu có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp thông tin trung thực và tài liệu cần thiết liên quan đến vụ việc điều tra phòng vệ thương mại theo quan điểm của mình hoặc theo yêu cầu của Cơ quan điều tra;

b) Yêu cầu Cơ quan điều tra bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này;

c) Tiếp cận thông tin về vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Cơ quan điều tra, trừ những thông tin được bảo mật theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này;

d) Tham gia phiên tham vấn và trình bày quan điểm, cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc phòng vệ thương mại.

4. Các bên liên quan không phải nộp phí tham gia giải quyết vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 10. Quy định về việc bên liên quan không hợp tác trong vụ việc phòng vệ thương mại

1. Bất kỳ bên liên quan nào từ chối tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần thiết hoặc gây cản trở đáng kể tới việc hoàn thành việc điều tra thì kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.

2. Bất kỳ bên liên quan nào cung cấp các chứng cứ không chính xác hoặc gây nhầm lẫn thì các chứng cứ đó sẽ không được xem xét và kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng đối với bên liên quan đó sẽ được dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.

3. Các bên liên quan không hợp tác nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này.”

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 52

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]