Ngày 01/5/2024, thị xã Bến Cát trở thành thành phố thứ trực thuộc thứ 05 của tỉnh Bình Dương theo Nghị quyết 1012/NQ-UBTVQH15. Đưa Bình Dương chính thức vượt qua Quảng Ninh (với 04 thành phố trực thuộc) vươn lên đứng đầu cả nước với 05 thành phố trực thuộc tỉnh.
Nửa năm sau đó, vào ngày 01/11/2024, theo Nghị quyết 1199/NQ-UBTVQH15, thị xã Đông Triều chính thức là thành phố thứ 05 của tỉnh Quảng Ninh. Đưa tỉnh này trở thành tỉnh thứ hai cả nước cùng với Bình Dương có 05 thành phố trực thuộc tỉnh.
Như vậy, tính đến tháng 11 năm 2024, thì Việt Nam có 02 tỉnh có 05 thành phố trực thuộc, bao gồm:
(1) Tỉnh Bình Dương với các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.
(2) Tỉnh Quảng Ninh với các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái và Đông Triều.
02 tỉnh có 05 thành phố trực thuộc hiện nay của Việt Nam (Hình từ internet)
Thành phố trực thuộc tỉnh là một đơn vị hành chính cấp huyện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ví dụ: thành phố Tân Uyên của tỉnh Bình Dương và huyện Phú Giáo của tỉnh này đều là một đơn vị đơn vị hành chính cấp huyện. Nhưng về tiêu chuẩn độ thị, thì thành phố Tân Uyên đạt tiêu chí là thành phố đô thị loại II.
Cụ thể tại Điều 5 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, thành phố thuộc tỉnh phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
- Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên.
- Diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên.
- Đơn vị hành chính trực thuộc:
+ Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên;
+ Tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên.
- Đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I hoặc loại II hoặc loại III.
- Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, cụ thể như sau:
+ Cân đối thu chi ngân sách: Dư
+ Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước (lần): 1,05 lần
+ Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
+ Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
+ Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế: 80%
+ Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường: 80%.
Tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 bao gồm:
(1) Quy mô dân số thành phố trực thuộc Trung ương
Thành phố trực thuộc Trung ương có dân số từ 1.000.000 người trở lên.
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô dân số của 05 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 lần lượt là TP.Hồ Chí Minh 9.166,84 nghìn người; Cần Thơ 1.246,99 nghìn người; Đà Nẵng 1.195,49 nghìn người; Hải Phòng 2.072,39 nghìn người; Hà Nội 8.330,83 nghìn người.
(2) Diện tích tự nhiên thành phố trực thuộc Trung ương
Thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên.
Theo Tổng cục Thống kê, diện tích tự nhiên của 05 thành phố trực thuộc Trung ương lần lượt là Hà Nội 3.359,82 km2; Hải Phòng 1.526,52 km2; Đà Nẵng 1.284,73 km2; TP.Hồ Chí Minh 2.095,39 km2; Cần Thơ 1.440,40 km2.
(3) Đơn vị hành chính trực thuộc của thành phố trực thuộc Trung ương
Thành phố trực thuộc Trung ương có số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên.
Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận.
(4) Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I; hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.
(5) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13. Cụ thể:
- Cân đối thu chi ngân sách: Dư;
- Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước: 1,75 lần;
- Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước;
- Tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất (%): Đạt bình quân của cả nước;
- Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế: 90%;
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường: 90%.