Đó là quy định tại khoản 2 Điều 196: "2. Tập đoàn kinh
tế có điều lệ tổ chức tổ chức và hoạt động riêng, do đại hội đồng cổ đông, hội đồng
thành viên hoặc chủ sở hữu công ty mẹ tập đoàn quyết định phù hợp với quy định
của pháp luật hoặc thỏa thuận về quy chế hoạt động chung khác". Quy định
trên trái với Bộ luật Dân sự và đi ngược lại thông lệ quốc tế.
Trong đó không nói rõ tập đoàn kinh tế có tư cách pháp nhân hay không? Khi khoản 2 Điều 38 Nghị định số 102/2010/ NĐ-CP của Chính phủ quy định: "Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật DN. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định".
Đó là quy định phù hợp với Bộ luật Dân sự và thông lệ quốc tế. Điều 88 Bộ luật Dân sự chỉ quy định về điều lệ của pháp nhân. Về pháp nhân là tổ chức kinh tế, Điều 102 Bộ luật Dân sự quy định: "1. Doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của bộ luật này là pháp nhân".
Nghị định số 102/2010/NĐ-CP là văn bản dưới luật, đã đi vào cuộc sống và phải được luật hoá trong Luật DN (sửa đổi). Không biết vì lý do gì, dự thảo luật lại quên chi tiết quan trọng là "Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân"?
Từ sự không rõ ràng về tư cách pháp nhân của tập đoàn kinh tế, dự thảo luật quy định rằng, "Tập đoàn kinh tế có điều lệ tổ chức tổ chức và hoạt động riêng" là không đúng. Bởi, dự thảo luật lại cho một tổ chức liên kết, tự nguyện không có tư cách pháp nhân có... điều lệ.
Quả là một "sáng tạo" đến mức tuỳ tiện và không giống ai, vì trên thế giới chẳng có tập đoàn kinh tế nào có tư cách pháp nhân, có điều lệ riêng. Song, điều rắc rối hơn là ở chỗ, khoản 3 Điều 88 Bộ luật Dân sự quy định: "Việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định".
Điều đó có nghĩa là, điều lệ của tập đoàn kinh tế và việc sửa đổi, bổ sung điều lệ đó "phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận". Như vậy, sẽ phải cấp đăng ký thành lập tập đoàn, phải phê duyệt điều lệ tập đoàn (bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung) và Một quy định... không giống ai!
Một cơ chế "xin - cho" sẽ hình thành!
Dự thảo luật còn quy định điều lệ của tập đoàn kinh tế do "đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty mẹ tập đoàn quyết định phù hợp với quy định của pháp luật". Quy định nêu trên cũng thật... kỳ lạ. Bởi, dù là công ty mẹ - công ty con, nhưng các doanh nghiệp trong tập đoàn đều là những pháp nhân độc lập.
Trong khi đó, Điều 93 Bộ luật Dân sự quy định "Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân". Từ đó, công ty mẹ tập đoàn không thể quyết định "Điều lệ tập đoàn" và buộc các công ty con trong tập đoàn phải theo. Đó không thể là một bản điều lệ, mà chỉ là quy chế tổ chức và hoạt động của tập đoàn do các công ty trong tập đoàn thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, đúng các quy định của pháp luật.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã phải thốt lên rằng, pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới. Điều đó không sai. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kỷ lục "phức tạp nhất thế giới", song đưa ra quy định không giống ai như trường hợp trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã nêu trên là một trong những nguyên nhân quan trọng. Đáng tiếc là, quy định "không giống ai" trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) lại không phải là cá biệt.
Những năm vừa qua, người dân và cộng đồng DN đã biết và phải chịu đựng không ít "quy định ở trên trời" trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta. Đã đến lúc phải sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để từ bỏ kỷ kục "phức tạp nhất thế giới" và "không giống ai" trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta, nhằm thực sự đổi mới thể chế, tạo điều kiện cho đất nước phát triển.
Theo Lao động