Gần đây, rất nhiều người dùng điện thoại đã và đang bị “quấy rối” bởi những tin nhắn quảng cáo, gạ mua bảo hiểm, trúng thưởng… Thậm chí là những cuộc gọi từ ngân hàng, từ công ty bảo hiểm, hoặc từ cá nhân rao bán số điện thoại “giống của bạn”... tình trạng này vẫn diễn ra mà chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Người tiêu dùng có căn cứ để nghi ngờ các nhà mạng đã vô tình hoặc cố ý tiết lộ thông tin khách hàng; chí ít thì cũng vì lợi nhuận mà “làm ngơ” cho việc phát tán các tin nhắn “rác”.
Vấn nạn nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước tiên là do hệ thống pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề này còn chưa đầy đủ, việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng vẫn chưa được quy định cụ thể, chế tài xử phạt cho các hành vi vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và đẩy lùi tình trạng này.
Đồng thời, xuất phát từ yếu tố kinh tế, việc tiết lộ thông tin của khách hàng hoặc cung cấp dịch vụ mạng cho bên thứ ba phát tán các tin nhắn spam, những cuộc gọi giới thiệu quảng cáo sản phẩm... đã mang lại cho các nhà mạng một khoản lợi nhuận khá lớn.
Ngoài ra, với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, việc truyền bá thông tin càng trở nên nhanh chóng và dễ dàng.
Chế tài đủ nhưng chưa mạnh
Dưới góc độ pháp lý, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý… trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”.
Bên cạnh đó, Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông cũng quy định thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục đích phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phục vụ công tác quản lý Nhà nước về viễn thông; hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông; các mục đích khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo các quy định trên thì thông tin cá nhân của chủ thuê bao không phải là thông tin có thể công khai hoặc rao bán như một loại hàng hóa; việc rao bán các thông tin cá nhân của chủ thuê bao là vi phạm pháp luật.
Về chế tài xử phạt, hành vi rao bán các thông tin cá nhân của chủ thuê bao tùy từng mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại điểm A khoản 5 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người nào có hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
So với quy định tại Nghị định 83/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ thì mức phạt cao hơn nhưng so với tình hình thực tế hiện nay thì mức phạt này vẫn còn quá thấp so với lợi nhuận “khủng” mà người vi phạm thu được.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó…
Điều luật còn có một khung hình phạt tăng nặng với mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp “có tổ chức; lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Chứng minh và xử phạt: Khó nhưng không phải không thể làm được
Hiện nay, việc chứng minh và xử phạt hành vi vi phạm trong việc mua bán, tiết lộ thông tin khách hàng tuy khó khăn song không phải là không thể làm được.
Để hạn chế tình trạng tin nhắn rác, tình trạng thông tin người tiêu dùng bị mua bán tràn lan trên mạng như hiện nay, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền của người tiêu dùng-khách hàng.
Trước hết, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường quản lý dịch vụ đầu số, nhất là đối với đầu số 1900xxxx; sớm ban hành quy định cụ thể về mẫu tin nhắn quảng cáo, trong đó các doanh nghiệp phải nêu rõ tên nhà cung cấp, nội dung dịch vụ, giá cước, tránh tình trạng lập lờ để đánh lừa người dùng; quy định rõ số lượng tối đa tin nhắn mà một thuê bao được phép gửi đi trong một ngày, từ đó hạn chế khả năng phát tán tin nhắn “rác” của các thuê bao “rác”.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng cần xem xét, tiến hành điều tra, khởi tố các đối tượng có hành vi mua bán thông tin người tiêu dùng trên các trang mạng về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này cần được quy định cụ thể, rõ ràng và cần có chế tài mạnh mẽ hơn...
Luật sư Phạm Thanh Bình