Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tăng cường công tác cải cách hành chính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
07/11/2023 16:00 PM

Tôi muốn biết để tăng cường công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra những nhiệm vụ chung nào cho người đứng đầu? – Phạm Hùng (Sóc Trăng)

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tăng cường công tác cải cách hành chính

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tăng cường công tác cải cách hành chính (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 02/11/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có Chỉ thị 8/CT-BGTVT về việc tăng cường công tác cải cách hành chính của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu tăng cường công tác cải cách hành chính

Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức thuộc Bộ thực hiện ngay 17 nhiệm vụ chung sau đây:

(1) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Coi việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của công chức, viên chức, nhất là đối với người đứng đầu.

(2) Rà soát từng nội dung, nhiệm vụ, tiến độ trong kế hoạch cải cách hành chính hàng năm và giai đoạn 2020 – 2025 của cơ quan, đơn vị; từ đó đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, tiến độ và chất lượng cụ thể từng công việc/nhiệm vụ tính đến nay;

Đối với những công việc/nhiệm vụ chưa đạt tiến độ hoặc chất lượng cần có ngay biện pháp khắc phục; đảm bảo mỗi nhiệm vụ phải được phân công rõ ràng, gắn với trách nhiệm từng cá nhân; bố trí đủ nguồn lực con người (cả về số lượng và chất lượng) để bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ cải cách hành chính; tăng cường công tác tự kiểm tra trong nội bộ, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả cải cách hành chính của từng đơn vị, cá nhân.

(3) Triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, trong đó đẩy mạnh tập trung khắc phục ngay những tồn tại thiếu sót khi được phát hiện.

(4) Kiểm soát chặt chẽ việc xử lý, giải quyết các văn bản đến cơ quan, đơn vị, nhất là việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính cũng như các nhiệm vụ được giao, đảm bảo thời hạn xử lý, giải quyết theo quy định; người đứng đầu thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp.

(5) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, văn hóa công vụ.

(6) Đối với việc chấm điểm, xác định chỉ số cải cách hành chính hàng năm: Cử công chức có năng lực và trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị, cá nhân có liên quan để cung cấp đầy đủ thông tin và tài liệu kiểm chứng. Đối với những nội dung bị trừ điểm (hoặc không có điểm) các cơ quan, đơn vị liên quan cần báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân và giải pháp khắc phục.

(7) Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp, phân quyền, đánh giá tác động chính sách và tham vấn đối tượng thực hiện trong quá trình xây dựng thể chế.

Kịp thời xử lý dứt điểm những phản ảnh kiến nghị do người dân, doanh nghiệp gửi đến; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy gây tốn kém, lãng phí, công sức và thời gian đi lại cũng như ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

(8) Thực hiện việc công bố, công khai thủ tục hành chính theo quy định; đồng bộ 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và công khai quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được tổng hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính là một căn cứ để đánh giá năng suất lao động, phê duyệt biên chế và bố trí nhân sự của cơ quan, đơn vị thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

(9) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Thực hiện việc báo cáo giải trình của người đứng đầu và xin lỗi người dân, doanh nghiệp đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị theo quy định; định kỳ công khai kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo quy định.

Xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

(10) Thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.

(11) Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ.

(12) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông. Trong đó, phải rà soát, hoàn thành việc công bố quy trình nội bộ xác định rõ thời hạn, trách nhiệm giải quyết trong từng bước, giai đoạn đối với các thủ tục hành chính liên thông giữa cơ quan trung ương và địa phương.

(13) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), trong đó tập trung hoàn thành việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(14) Thực hiện các giải pháp phù hợp huy động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện các nội dung chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính.

(15) Chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

(16) Có cơ chế, chính sách phù hợp, thực hiện ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí hàng năm cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(17) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thành việc tích hợp, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đối với các dịch vụ công thuộc thẩm quyền thực hiện của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ triển khai cung cấp trên môi trường mạng.

Xem thêm tại Chỉ thị 8/CT-BGTVT ngày 02/11/2023.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 536

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]