Điểm mới về vị trí việc làm của giáo viên, viên chức trong trường học

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
15/11/2023 20:33 PM

Vị trí việc làm của giáo viên, viên chức trong trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập có những điểm mới nào?

Điểm mới về vị trí việc làm của giáo viên, viên chức trong trường học (Hình từ internet)

Những điểm mới về vị trí việc làm của giáo viên, viên chức trong trường học

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành 02 Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNVThông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT), có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.

02 Thông tư có nhiều điểm mới ,cụ thể như sau:

1. Điều chỉnh nhóm vị trí việc làm trong trường học

Danh mục khung vị trí việc làm được chia làm 4 nhóm theo quy định tại Nghị định 106/2020/NĐ-CP và theo Thông tư 12/2022/TT-BNV, bao gồm:

- Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (hiệu trưởng; phó hiệu trưởng).

- Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (giáo viên, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật,…).

- Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung theo quy định tại Thông tư của Bộ Nội vụ (kế toán, văn thư, thủ quỹ,…).

- Nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (bảo vệ, phục vụ, y tế học đường…).

Trong đó, có sự điều chỉnh về nhóm vị trí việc làm như sau:

+ Các vị trí việc làm giáo vụ, thư viện, thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật điều chỉnh từ nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành.

+ Vị trí việc làm y tế chuyển sang nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ;

+ Vị trí việc làm công nghệ thông tin được thay bằng vị trí việc làm quản trị công sở;…

Do có chuyển đổi về nhóm danh mục nên đối với vị trí việc làm "y tế học đường", "công nghệ thông tin", Bộ đã có điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho nhân viên y tế học trường, công nghệ thông tin đã được tuyển dụng cũng như đang thực hiện nhiệm vụ.

2. Bổ sung 01 vị trí việc làm tư vấn học sinh

Theo đó, việc bổ sung 01 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong các trường phổ thông theo quy định tại Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT, cũng như thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến công tác tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh những bất ổn tâm lý trong học sinh là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua với những biểu hiện tiêu cực như bạo lực học đường,  tình trạng bắt nạt trên mạng, học sinh bị rối nhiễu tâm lý dẫn tới các hành vi lệch lạc, tiêu cực…

3. Vị trí việc làm "giáo vụ" cũng được xác định ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở

Theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT, vị trí việc làm "giáo vụ" cũng được xác định ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở.

(Thay vì chỉ có vị trí việc làm "giáo vụ" ở cấp trung học phổ thông và trường chuyên biệt, việc này nhằm giảm áp lực một số công việc quản lý hành chính đối với học sinh của giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở).

4. Tạo căn cứ để xác định số lượng hợp đồng lao động theo Nghị định 111

Định mức giáo viên các cấp học được xác định theo nguyên tắc bảo đảm đủ số lượng người làm việc theo định mức để thực hiện công tác giảng dạy tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục và để thực hiện các công việc chuyên môn dùng chung, công việc hỗ trợ, phục cụ của cơ sở giáo dục.

Những vị trí việc làm không đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì bố trí thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, những vị trí việc làm chưa bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc kiêm nhiệm, người được bố trí kiêm nhiệm phải được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm kiêm nhiệm.

Thông tư cũng quy định cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đang bố trí số lượng viên chức giáo viên thấp hơn định mức tối đa theo quy định tại Thông tư do biên chế được giao không đủ theo định mức tối đa hoặc chưa tuyển dụng được thì căn cứ định mức tối đa quy định tại Thông tư này để xác định số lượng giáo viên ký kết hợp đồng lao động.

Quy định này đã tạo căn cứ để các cơ sở giáo dục xác định số lượng hợp đồng lao động thực hiện theo quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP, bảo đảm đủ số lượng người làm việc để triển khai thực hiện chương trình giáo dục.

5. Chia vùng để tính định mức giáo viên

Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên như sau:

- Vùng 1: Các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;

- Vùng 2: Các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Vùng 3: Các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại. Bên cạnh đó, quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Ngoài ra, cũng quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,733

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]