1. Từ 25/11/2015, áp dụng phạt vi phạm đóng kinh phí công đoàn
Đó là nội dung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể như sau:
- Phạt tiền với mức 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn (KPCĐ) tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) có một trong các hành vi sau:
+ Chậm đóng KPCĐ.
+ Đóng KPCĐ không đúng mức quy định.
+ Đóng KPCĐ không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.
Trường hợp NSDLĐ không đóng KPCĐ cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng thì bị phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng không quá 75 triệu đồng.
Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt, NSDLĐ phải nộp toàn bộ số tiền chậm đóng, chưa đóng đủ hoặc chưa đóng và tiền lãi theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Xem chi tiết tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP .
2. Thay đổi lệ phí thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 157/2015/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.
Theo đó, mức thu lệ phí cấp thị thực đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có những thay đổi sau:
- Lệ phí cấp thị thực có giá trị một lần: giảm từ 45 USD xuống còn 25 USD.
- Lệ phí cấp thị thực có giá trị nhiều lần loại có giá trị đến 3 tháng: 50 USD (hiện nay là 95 USD).
- Lệ phí chuyển ngang giá trị thị thực, thẻ tạm trú, thời hạn tạm trú còn giá trị từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới: 5 USD.
- Cấp thị thực trong trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, sau đó xuất cảnh và nhập cảnh trở lại Việt Nam trong thời gian chưa quá 30 ngày: 5 USD.
Thông tư 157/2015/TT-BTC thay thế Thông tư 66/2009/TT-BTC , Thông tư 113/2009/TT-BTC , Thông tư 97/2011/TT-BTC và Thông tư 190/2012/TT-BTC .
3. Thay đổi lệ phí lãnh sự
Ngày 08/10/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 156/2015/TT-BTC sửa đổi Thông tư 236/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí lãnh sự áp dụng tại Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đó, lệ phí lãnh sự đối với trường hợp thị thực thay đổi so với trước như sau:
- Loại thị thực có giá trị nhập xuất cảnh 01 lần: giảm từ 30 USD xuống còn 25 USD.
- Loại thị thực có giá trị nhập xuất cảnh nhiều lần:
+ Loại có giá trị đến 03 tháng: 50USD.
+ Loại có giá trị trên 03 tháng đến 06 tháng: 95 USD.
+ Loại có giá trị trên 06 tháng đến 01 năm: 135 USD.
+ Loại có giá trị trên 01 năm đến 02 năm: 145 USD.
+ Loại có giá trị trên 02 năm đến 05 năm: 155 USD.
- Chuyển thị thực còn giá trị từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới: giảm từ 15 USD xuống còn 5 USD.
Thông tư 156/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 23/11/2015.
4. Quy định mới về mức thu lệ phí chứng thực
Từ ngày 30/11/2015, mức thu lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch áp dụng theo Thông tư liên tịch 158/2015/TTLT-BTC-BTP .
Cụ thể như sau:
- Chứng thực bản sao từ bản chính: 2.000 đồng/trang.
Từ trang thứ 03 trở lên thu 1.000 đồng/trang, nhưng mức thu tối đa thu không quá 200.000 đồng/bản.
- Chứng thực chữ ký: 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được tính là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản).
- Chứng thực hợp đồng, giao dịch:
+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch: 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.
+ Chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch: 20.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.
+ Sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực: 10.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.
Riêng đối với cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP thì không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản.
Thông tư liên tịch 158/2015/TTLT-BTC-BTP thay thế Thông tư liên tịch 92/2008/TTLT-BTC-BTP và Thông tư liên tịch 62/2013/TTLT-BTC-BTP .
5. Cấm bay vĩnh viễn với hành khách gây bạo loạn
Nội dung này được đề cập tại Nghị định 92/2015/NĐ-CP quy định về an ninh hàng không.
Theo đó, cấm vận chuyển hàng không vĩnh viễn đối với các trường hợp sau:
- Đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong các trường hợp cấm vận chuyển trên 12 tháng đến 24 tháng theo quy định.
- Người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng gồm chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay đang bay; chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay trên mặt đất; sử dụng tàu bay như một vũ khí; bắt giữ con tin trong tàu bay hoặc tại cảng hàng không, sân bay.
- Chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay.
Quyết định cấm vận chuyển được áp dụng đối với các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của tất cả các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.
Nghị định 92/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/11/2015 và thay thế Nghị định 81/2010/NĐ-CP và Nghị định 51/2012/NĐ-CP .
6. Quy định về môn Giáo dục thể chất tại trường Đại học
Ngày 14/10/2015, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành Thông tư 25/2015/TT-BGDĐT Quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học.
Theo đó, khối lượng kiến thức của môn Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học mà người học cần tích lũy tối thiểu là 03 tín chỉ.
Người học là người khuyết tật hoặc không đủ sức khỏe học một số nội dung trong chương trình môn Giáo dục thể chất được xem xét miễn, giảm những nội dung không phù hợp hoặc được học các nội dung thay thế phù hợp.
Giảng viên có trách nhiệm kiểm tra và kiến nghị với cơ sở giáo dục đại học về các điều kiện đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn dạy học trước khi tổ chức dạy học.
Đồng thời, giảng viên và người học có quyền từ chối không tham gia giảng dạy, học tập khi các điều kiện an toàn được xác định trong chương trình môn Giáo dục thể chất không đảm bảo.
Thông tư 25/2015/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 29/11/2015.
7. Thêm chế độ đối với phạm nhân là người nước ngoài
Đó là quy định tại Nghị định 90/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 117/2011/NĐ-CP về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
Theo đó, từ ngày 27/11/2015, bên cạnh các chế độ dành cho phạm nhân là người nước ngoài theo Nghị định 117/2011/NĐ-CP, bổ sung chế độ được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định về chế độ nghỉ lao động đối với phạm nhân, cụ thể như sau:
- Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng, được nghỉ lao động các ngày thứ bảy, ngày chủ nhật, lễ, tết theo Khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động 2012.
- Thời gian lao động và học tập, học nghề không quá 08 giờ trong 01 ngày. Trường hợp đột xuất hoặc thời vụ có thể làm thêm nhưng không quá 02 giờ trong 01 ngày.
- Trường hợp làm thêm giờ hoặc lao động trong ngày thứ bảy, chủ nhật thì được nghỉ bù hoặc bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.
Xem chi tiết tại Nghị định 90/2015/NĐ-CP .
8. Quy định mới về thời hạn hỗ trợ vay vốn đóng tàu
Theo Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thay đổi so với trước.
Cụ thể như sau:
- 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu.
- 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới.
Ngoài ra, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc trong năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.
Quy định này được áp dụng cả với những Hợp đồng vay vốn ngân hàng thương mại đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới theo quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
Nghị định 89/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2015.