1. Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh than
Ngày 05/12/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 27/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản QPPL về đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ.
Theo đó, bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh than tại Điều 4 Thông tư 14/2013/TT-BCT nhằm phù hợp với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư.
Ngoài ra, Thông tư cũng bãi bỏ toàn bộ một số văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, cụ thể:
- Thông tư 54/2014/TT-BCT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa chế biến.
- Thông tư 53/2014/TT-BCT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bia.
- Thông tư 59/2014/TT-BCT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dầu thực vật.
Thông tư 27/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 20/01/2017.
2. Hệ số lương cơ sở đặc thù của Cục Hàng không Việt Nam
Ngày 29/11/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định 51/2016/QĐ-TTg quy định một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Cục Hàng không Việt Nam.
Theo đó, so với giai đoạn thí điểm, không có nhiều thay đổi quan trọng trong cơ chế tài chính; cụ thể quy định như sau:
- Cán bộ, công chức trong biên chế và người làm việc theo HĐLĐ áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 0,8 lần so với mức lương do Chính phủ quy định.
- Mức lương tăng thêm được áp dụng hệ số trên gồm mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các phụ cấp hiện hưởng, không gồm tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ.
- Mức lương tăng thêm không dùng để tính đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí công đoàn.
Quyết định 51/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/01/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.
3. Hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm nhàn rỗi
Ngày 28/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 314/2016/TT-BTC quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN).
Theo đó, hạn mức tạm ứng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách được quy định như sau:
+ Với trung ương: Kho bạc nhà nước xác định hạn mức tạm ứng cho phù hợp, không vượt quá NQNN tạm nhàn rỗi trong quý.
+ Với cấp tỉnh: Tối đa 10% khả năng NQNN tạm nhàn rỗi trong quý; trong đó, phải đảm bảo tổng dư nợ tạm ứng NQNN và khoản dư nợ vay khác không vượt quá mức dư nợ vay tối đa theo quy định.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định, hạn mức sử dụng NQNN tạm nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại NHTM và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tối đa 50% NQNN tạm nhàn rỗi trong quý.
Thông tư 314/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/01/2017.
4. Yêu cầu về bằng cấp đối với Giám đốc điều hành mỏ
Ngày 29/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Theo đó, yêu cầu Giám đốc điều hành (GĐĐH) mỏ cần có bằng cấp về chuyên môn cụ thể như sau:
- Đối với GĐĐH khai thác hầm lò: Bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương thuộc chuyên ngành kỹ thuật mỏ, xây dựng mỏ đối với mỏ khai thác bằng phương pháp hầm lò;
- Đối với GĐĐH khai thác lộ thiên: Bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương thuộc chuyên ngành kỹ thuật mỏ, xây dựng mỏ, kỹ thuật địa chất đối với mỏ khai thác bằng phương pháp lộ thiên;
- Đối với GĐĐH khai thác lộ thiên mỏ không kim loại không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác thủ công khoáng sản làm VLXD thông thường:
Bằng tốt nghiệp cao đẳng, tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương thuộc chuyên ngành kỹ thuật mỏ, kỹ thuật địa chất tương đương với loại mỏ khai thác.
Nghị định 158/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2017 và thay thế Nghị định 15/2012/NĐ-CP.