1. Một số lưu ý đối với phương tiện đường thủy nội địa
Theo Thông tư 04/2017/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 47/2015/TT-BGTVT về trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện thủy nội địa thì có một số điểm đáng chú ý như sau:
- Chủ phương tiện phải lập sổ danh bạ thuyền viên và trang bị sổ nhật ký phương tiện đối với phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 300 tấn trở lên hoặc phương tiện chở khách có sức chở từ 50 khách trở lên.
- Nhật ký phương tiện trước khi sử dụng phải được Cục Đường thủy nội địa hoặc Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng dấu treo tại trang bìa thay vì đóng dấu giáp lai giữa các trang như quy định hiện nay.
- Không còn quy định chỉ có thuyền trưởng, thuyền phó mới được ghi chép nhật ký hành trình; mà thay vào đó là quy định Thuyền trưởng, thuyền phó là những người có trách nhiệm ghi chép nhật ký hành trình hàng ngày.
Tương tự, máy trưởng, máy phó cũng được quy định là phải có trách nhiệm ghi chép nhật ký máy hàng ngày.
Thông tư 04/2017/TT-BGTVT cũng quy định bổ sung thêm Bảng mã hiệu vùng của sổ nhật ký phương tiện.
2. Về việc đảm nhiệm chức danh thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa
Theo Thông tư 02/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2014/TT-BGTVT thì việc đảm nhiệm các chức danh thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa sẽ được thực hiện như sau:
- Đối với các phương tiện chở khách ngang sông có sức chở đến 50 người, chở hàng có trọng tải toàn phần đến 50 tấn, phương tiện có công suất máy chính đến 50 sức ngựa thì:
+ Thuyền viên có bằng thuyền trưởng hạng ba hạn chế hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) thuyền trưởng hạng tư sẽ được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng; và
+ Các thuyền viên có chứng chỉ thủy thủ hạng nhì cũng sẽ được đảm nhiệm chức danh thủy thủ của các loại phương tiện nêu trên.
- Thuyền viên có bằng hoặc GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhì được đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng của các loại phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần đến 1000 tấn;
Nhưng, phải hoàn thành thời gian tập sự theo chức danh hạng nhì trên phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần trên 500 tấn đủ 03 tháng trở lên.
Ngoài ra, Thông tư 02/2017/TT-BGTVT cũng sửa đổi một số nội dung liên quan đến việc chuyển đổi GCNKNCM, chứng chỉ chuyên môn.
3. Quy định về thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới
Ngày 30/12/2016, Thông tư 51/2016/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 63/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiếm định xe cơ giới được ban hành. Theo đó:
- Sau khi hoàn thành tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới (ĐKVXCG), trong vòng 03 tháng người tham gia tập huấn phải tham gia thực tập nghiệp vụ ĐKVXCG tại một hoặc nhiều đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
- Khi có thay đổi về đơn vị đăng kiểm thực tập nghiệp vụ ĐKVXCG, đăng kiểm viên thực tập phải báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam.
- Người thực tập phải thực tập các nội dung sau: kiểm tra 05 công đoạn trên dây chuyền kiểm định, sử dụng thiết bị kiểm tra và các chương trình, phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới.
Thông tư 51/2016/TT-BGTVT cũng hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, đánh giá điều kiện và duy trì điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các đơn vị đăng kiểm.
4. Thông tư 03/2017/TT-BGTVT quy định nội dung, chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa thay thế cho Thông tư 57/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.