1. Hệ thống biểu mẫu mới dùng trong tố tụng dân sự và hành chính
Ngày 06/01/2017, Hội đồng thẩm phán TANDTC thông qua Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP và 02/2017/NQ-HĐTP ban hành các biểu mẫu phục vụ trong công tác tố tụng dân sự và hành chính; cụ thể gồm:
- 93 biểu mẫu dùng trong tố tụng dân sự
- 62 biểu mẫu dùng trong tố tụng hành chính.
Danh mục biểu mẫu xem chi tiết tại văn bản.
Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP và 02/2017/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 24/02/2017.
2. Mức hỗ trợ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bị thiệt hại do thiên tai
Từ ngày 25/02/2017, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP thì các cá nhân, hộ sản xuất bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh; nếu đủ điều kiện, sẽ nhận được một số mức hỗ trợ như sau:
- Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.
- Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.
- Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng/ha.
- Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7.100.000 - 10.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 - 7.000.000 đồng /100 m3 lồng.
- Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 21.000 - 35.000 đồng/con.
- Hỗ trợ đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.
Xem chi tiết tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP đối với các mức hỗ trợ khác.
3. Nguyên tắc hoạt động Mạng bưu chính phục vụ Đảng, Nhà nước
Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước được thiết lập và duy trì để chấp nhận, vận chuyển, phát các bưu gửi bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tài liệu mang bí mật nhà nước.
Theo Quyết định 55/2016/QĐ-TTg thì Mạng bưu chính này sẽ hoạt động theo các nguyên tắc sau đây:
- Bảo đảm bí mật nhà nước.
- Bảo đảm bí mật, an ninh, an toàn, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.
- Thống nhất trong tổ chức, quản lý, vận hành và khai thác.
- Không vì mục đích kinh doanh.
Quyết định 55/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 25/02/2017.
4. Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương
Theo Thông tư 02/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 22/02/2017, địa phương phải bố trí chi ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ môi trường sau đây:
- Hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường của địa phương (bao gồm kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến môi trường);
- Hỗ trợ công tác quản lý chất thải, điều tra, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, đánh giá sức chịu tải của môi trường, thuộc nhiệm vụ của địa phương;
- Hỗ trợ hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và chôn lấp chất thải sinh hoạt tại địa phương (không bao gồm hoạt động xây dựng cơ sở xử lý chất thải);
- Quản lý các công trình vệ sinh công cộng; hỗ trợ thiết bị, phương tiện thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở nơi công cộng, khu dân cư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Thông tư 02/2017/TT-BTC cũng ban hành kèm theo các khung, mức chi tối đa cho các công việc cụ thể.