1. Quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”
Ngày 17/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về việc xét tặng danh hiệu “Gia Đình Văn Hóa”; “Thôn Văn Hóa”, “Làng Văn Hóa”, “Ấp Văn Hóa”, “Bản Văn Hóa”, “Tổ Dân Phố Văn Hóa”.
Một trong các nội dung đáng chú ý là không xét tặng danh hiệu “Gia Đình Văn Hóa” nếu bất kỳ thành viên nào trong gia đình có hành vi tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Việc đăng ký các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” phải được thực hiện trước ngày 30/01 và tiến hành bình xét trước ngày 20/12 cùng năm.
Nghị định 122/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/11/2018.
2. Thành lập cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam
Từ ngày 05/11/2018, việc thành lập cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 126/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam được hiểu là:
- Tên gọi chung của các tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận trong lĩnh vực văn hóa và một số lĩnh vực khác liên quan.
- Do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập hoặc tham gia thành lập và tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Nghị định 126/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 18/2001/NĐ-CP về việc lập và hoạt động của các cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
3. Điều chỉnh tăng giá mua điện gió
Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 39/2018/QĐ-TTg quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Các khái niệm về “Dự án điện gió trong đất liền” và “Dự án điện gió trên biển” đã được bổ sung để làm cơ sở quy định giá mua điện tương ứng với 02 loại dự án này.
Cụ thể, Bên mua điện phải mua lại sản lượng điện từ dự án điện gió trên biển với mức giá là 2.223 đồng/kWh và từ dự án điện gió trong đất liền với mức giá là 1.928 đồng/kWh.
(Hiện hành giá mua được quy định chung là 1.614 đồng/kWh).
Quyết định 39/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.
4. Thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn
Ngày 14/9/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 23/2018/TT-BYT quy định chi tiết về việc thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
Theo đó, việc xử lý các sản phẩm thực phẩm này sau khi thu hồi vẫn được thực hiện theo một trong 04 hình thức: Khắc phục lỗi ghi nhãn, chuyển mục đích sử dụng, tái xuất và tiêu hủy.
Tuy nhiên, có một điểm mới đó là nếu chủ sản phẩm tự nguyện thu hồi sản phẩm của mình thì sẽ có quyền tự lựa chọn áp dụng một trong 04 hình thức xử lý nêu trên.
Thông tư 23/2018/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.