1. Trường hợp không được miễn đào tạo nghề luật sư
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 137/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật luật sư được ban hành ngày 08/10/2018.
Theo đó, không miễn đào tạo nghề luật sư, miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư đối với:
- Người đã bị xử lý hình sự hoặc xử lý kỷ luật đến mức:
+ Bị cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên;
+ Bị tước danh hiệu công an nhân dân, tước quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân;
+ Bị tước học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật.
- Người đã bị thu hồi quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
Nghị định 137/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2018.
2. Sửa đổi quy định xử phạt hành chính về bán hàng đa cấp
Ngày 08/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2018/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, tăng mức tiền phạt lên thành 160 đến 200 triệu đồng với một số hành vi bán hàng đa cấp bất chính được thực hiện trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (áp dụng đối với tổ chức); đơn cử như:
- Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp...
Nghị định 141/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2018.
3. Nguyên tắc tạo Danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm NK
Thông tư 11/2018/TT-BTTTT về công bố chi tiết Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu (Danh mục) kèm theo mã số HS được ban hành ngày 15/10/2018.
Theo đó, Danh mục được xây dựng dựa trên 02 nguyên tắc:
- Xây dựng theo Thông tư 65/2017/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
- Được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình phát triển và các quy định khác của pháp luật theo từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông còn đưa ra các quy định áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu đối với nhóm hàng hóa này.
Xem chi tiết Danh mục tại Thông tư 11/2018/TT-BTTTT (có hiệu lực từ ngày 30/11/2018).
4. Căn cứ để tiến hành kiểm tra đột xuất của cơ quan Quản lý thị trường
Đây là nội dung đáng lưu ý được quy định tại Thông tư 35/2018/TT-BCT về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Theo đó, cơ quan Quản lý thị trường sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân khi có các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật ngay đối với với các trường hợp sau:
- Văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, UBND các cấp, Tổng cục trưởng, Cục trưởng yêu cầu kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân cụ thể.
- Đề xuất kiểm tra bằng văn bản có đủ căn cứ về hành vi vi phạm hành chính hoặc dấu hiệu vi phạm hành chính của công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quy định tại các Điều 37, Điều 38 và Điều 39 Thông tư này.
- Thông tin tiếp nhận được trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành kiểm tra ngay thì:
+ Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bỏ trốn;
+ Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu huỷ.
(Hoặc để ngăn chặn, hạn chế kịp thời hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra).
Thông tư 35/2018/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 26/11/2018.