1. Mức thu phí xử lý vụ việc cạnh tranh
Thông tư 58/2020/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 27/7/2020.
Theo đó, mức thu phí xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định như sau:
- Mức phí áp dụng đến hết 31/12/2020:
+ Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 5.000.000 đồng/vụ việc.
+ Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 25.000.000 đồng/hồ sơ.
- Mức thu phí áp dụng kể từ ngày 01/01/2021:
+ Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 10.000.000 đồng/vụ việc.
+ Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 50.000.000 đồng/hồ sơ.
2. Định mức chi phí sinh hoạt dành cho lưu học sinh Hiệp định
Ngày 12/6/2020, Bộ tài chính ban hành Thông tư 55/2020/TT-BTC về quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh nước ngoài diện Hiệp định học tập tại Việt Nam.
Theo đó, lưu học sinh được cấp sinh hoạt phí (học bổng) để hỗ trợ trang trải các chi phí sinh hoạt và học tập; thời gian hưởng sinh hoạt phí 12 tháng/năm trong thời gian học tập chính thức tại Việt Nam.
Định mức chi sinh hoạt phí như sau:
- Lưu học sinh đại học: 3.630.000 đồng/người/tháng;
- Lưu học sinh sau đại học: 4.110.000 đồng/người/tháng;
- Lưu học sinh các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn có thời gian đào tạo dưới 12 tháng: 4.820.000 đồng/người;
- Lưu học sinh học tiếng Việt để thi tuyển vào bậc đại học: 2.460.000 đồng/ người/tháng;
- Lưu học sinh học tiếng Việt để thi tuyển vào bậc sau đại học: 2.900.000 đồng/người/tháng;
Thông tư 55/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 30/7/2020.
3. Cơ chế tạm quản hàng hóa theo Công ước Istanbul
Nghị định 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul có hiệu lực từ ngày 30/7/2020.
Theo đó, tạm quản hàng hóa là chế độ quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập vào quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước ATA (1961), Công ước Istanbul.
Một số nội dung đáng lưu ý về cơ chế tạm quản hàng hóa theo Công ước Istanbul như sau:
- Thời hạn tạm nhập tái xuất hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm nhập, tạm xuất và trong thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế).
- Nếu hàng hóa không thể tái xuất trước khi hết thời hạn nêu trên, người khai hải quan thực hiện cấp sổ ATA thay thế để gia hạn thời hạn tạm xuất, tái nhập.
Sổ tạm quản (sổ ATA) là chứng từ để thực hiện tạm quản hàng hóa, được chấp nhận thay thế tờ khai hải quan để làm thủ tục hải quan và đảm bảo thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản.
4. Từ 2021, cơ sở phân phối nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện quản lý hoạt động phân phối bằng phần mềm vi tính
Ngày 10/6/2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư 9/2020/TT-BYT sửa đổi Thông tư 03/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Theo đó, bổ sung quy định quy định về đánh giá thực hành tốt nguyên liệu làm thuộc như sau:
- Đến ngày 01/01/2021, cơ sở phân phối nguyên liệu làm thuốc phải có thiết bị, máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối bằng phần mềm vi tính, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc mua vào, bán ra.
- Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán nguyên liệu làm thuốc, chất lượng nguyên liệu làm thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Thông tư 9/2020/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 25/07/2020.
5. Thông tư 10/2020/TT-BCT bãi bỏ Thông tư 03/2014/TT-BCT quy định về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép có hiệu lực từ 31/7/2020.