1. Lộ trình thực hiện kê đơn thuốc điện tử
Từ ngày 15/02/2022, Thông tư 27/2021/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử có hiệu lực thi hành.
Theo đó, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT theo lộ trình cụ thể như sau:
- Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên: hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác: hoàn thành trước ngày 01/12/2022.
Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư 27/2021/TT-BYT có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.
Đồng thời quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm:
- Bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú;
- Gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
- Tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện;
- Thực hiện lưu trữ đơn thuốc điện tử như thời gian lưu trữ đơn thuốc giấy theo quy định của Bộ Y tế.
2. Sửa quy định ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trên nhãn trang thiết bị y tế
Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trong đó sửa quy định ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trên nhãn trang thiết bị y tế (có hiệu lực từ 15/02/2022).
Theo đó, hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi như sau:
- Tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành.
- Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.
(Hiện hành quy định ghi tên đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam như sau: ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất gắn với xuất xứ của hàng hóa đó và ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế).
Ngoài ra, Nghị định 111/2021/NĐ-CP còn bổ sung quy định ghi xuất xứ hàng hóa đối với trường hợp không xác định được nơi xuất xứ như sau:
- Ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
- Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
3. Sửa đổi điều kiện với điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
Đây là nội dung tại Nghị định 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Cụ thể, sửa đổi điều kiện về điểm kinh doanh như sau:
Có các thiết bị điện tử và hệ thống camera để theo dõi, giám sát thường xuyên toàn bộ hoạt động trong Điểm kinh doanh (24/24h). Các hình ảnh phải được lưu trữ đầy đủ trong thời hạn tối thiểu 180 ngày kể từ ngày ghi hình.
(Hiện hành quy định các hình ảnh phải được lưu trữ đầy đủ trong thời hạn tối thiểu từ 15 đến 30 ngày, kể từ ngày ghi hình tùy từng vị trí trong Điểm kinh doanh. Trong các trường hợp cần thiết, thời gian lưu trữ có thể kéo dài hơn theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền)
Đồng thời bổ sung quy định: Đảm bảo hình ảnh từ các thiết bị điện tử và hệ thống camera rõ nét tại các vị trí sau:
- Khu vực cửa ra, vào Điểm kinh doanh;
- Khu vực bố trí các máy trò chơi điện tử có thưởng;
- Khu vực thu ngân, kho quỹ kiểm đếm tiền mặt, đồng tiền quy ước và lưu giữ thiết bị đựng tiền mặt, đồng tiền quy ước.
Nghị định 121/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/02/2022 và thay thế Nghị định 86/2013/NĐ-CP ngày 29/07/2013, Nghị định 175/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016.
4. Quy định về điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH từ năm 2022
Nội dung này được quy định tại Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH.
Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng từ trước năm 1995 đến năm 2022, đơn cử như sau:
- Trước năm 1995: 5,10 (tăng 0,09 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1995: 4,33 (tăng 0,08 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1996: 4,09 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1997: 3,96 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1998: 3,68 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1999: 3,53 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 2000: 3,58 (tăng 0,06 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 2022: 1,00;...
Đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì:
Tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.
Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/02/2022; áp dụng từ ngày 01/01/2022 và thay thế Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020.