1. 59 biểu mẫu phục vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thông tư 60/2014/TT-BCA quy định 59 biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của Công an nhân dân. Cụ thể như sau:
- 10 biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thanh tra.
- 11 biểu mẫu sử dụng trong giải quyết khiếu nại.
- 10 biểu mẫu sử dụng trong giải quyết tố cáo.
- 12 biểu mẫu sử dụng trong tiếp công dân và xử lý đơn thư.
- 16 biểu mẫu khác có liên quan.
Thông tư này bắt đầu có hiệu lực từ 12/01/2015.
2. Quy định mới về thiết kế mẫu tiền
Ngày 12/01/2015, Thông tư 37/2014/TT-NHNN quy định mới trong việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó:
Mẫu thiết kế đồng tiền phải đảm bảo độ bền, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, khả năng chống giả cao và phù hợp với xu hướng thiết kế mẫu tiền trên thế giới; dễ nhận biết các mệnh giá và tính xác thực của đồng tiền.
Trường hợp chế tạo bản in gốc, khuôn đúc tiền gốc ở nước ngoài, Cục Phát hành và Kho quỹ báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Cục Phát hành và Kho quỹ phải có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá khả năng thực hiện hợp đồng của cơ sở in, đúc tiền (trước đây chỉ kiểm tra trong trường hợp cần thiết).
Thông tư 37 thay thế Thông tư 23/2009/TT-NHNN.
3. Quy định mới về quản lý thực phẩm chức năng
Từ ngày 15/01/2015, các quy định về quản lý thực phẩm chức năng tại Thông tư 43/2014/TT-BYT chính thức có hiệu lực. Theo đó:
- Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
- Cơ sở sản xuất dược phẩm đã được cấp chứng nhận Thực hành sản xuất tốt khi sản xuất thực phẩm chức năng được miễn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
- Nhiều sản phẩm phải thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người, như là: Sản phẩm công bố khuyến cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh; sản phẩm có chứa hoạt chất mới chưa được cho phép sử dụng…
Thông tư này bãi bỏ Thông tư 08/2004/TT-BYT.
4. Điều kiện nhập tàu biển qua sử dụng để phá dỡ
Để được cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:
- Có vốn pháp định tối thiểu 50 tỷ đồng.
- Có đăng ký ngành nghề kinh doanh nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
- Có các bộ phận chuyên trách thực hiện nghiệp vụ về nhập khẩu, pháp luật hàng hải, an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
Mặt khác, tàu được nhập khẩu để phá dỡ sẽ không được hoán cải, nâng cấp, chuyển đổi mục đích, chuyển nhượng, mua, bán lại và phải được đưa vào phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan.
Nội dung này được quy định tại Nghị định 114/2014/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 15/01/2015.
5. Quản lý cửa khẩu biên giới đất liền
Từ ngày 15/01/2015, Nghị định 112/2014/NĐ-CP về Quản lý cửa khẩu biên giới đất liền bắt đầu có hiệu lực và thay thế cho Nghị định 32/2005/NĐ-CP.
Theo đó, bổ sung quy định đối tượng được ra, vào khu vực cửa khẩu biên giới, như là:
- Hành khách xuất cảnh, nhập cảnh.
- Người điều khiển, người làm việc trên phương tiện chuyên chở hàng hóa, hành khách xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh.
- Chủ hàng, người kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra vào khu vực cửa khẩu thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
- Người đến khám, chữa bệnh (trường hợp trong khu vực cửa khẩu có khu vực y tế dành cho khám, chữa bệnh)…
Nghị định còn bổ sung điều kiện đối với phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh là phải có Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ phương tiện.
6. Các trường hợp được thanh toán bằng tiền mặt
Theo Thông tư 33/2014/TT-NHNN, tổ chức sử dụng vốn nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt trong các trường hợp sau:
- Mua nông, lâm, thủy sản, dịch vụ và sản phẩm cho người dân trực tiếp sản xuất, đánh bắt, khai thác bán ra mà chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
- Tiền công tác phí, lương, thu nhập khác cho người lao động chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
- Các khoản thanh toán thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước.
- Thực hiện việc thanh toán tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực nông thôn nơi chưa có tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
- Khoản thanh toán có giá trị dưới 20 triệu đồng (trừ trường hợp các khoản thanh toán trong ngày có giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích, đối tượng nhưng tổng các khoản lớn hơn 20 triệu đồng).
Thông tư 33 có hiệu lực từ ngày 15/01/2015 và bãi bỏ khoản 2, 3 Thông tư 01/2007/TT-NHNN .
Còn tiếp…