1. Quy định mới về căn cứ từ chối đăng ký biện pháp bảo đảm
Đây là điểm mới tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2017) về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo đó, bổ sung thêm căn cứ khác mà cơ quan đăng ký có thể từ chối đăng ký biện pháp bảo đảm, cụ thể đó là:
- Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở không đủ điều kiện thế chấp theo quy định của Luật đất đai và Luật nhà ở;
- Kê khai nội dung đăng ký không đúng quy định của pháp luật;
- Khi cơ quan đăng ký nhận được văn bản của Chấp hành viên của CQTHADS hoặc Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm là người phải thi hành án;
- Khi cơ quan đăng ký nhận được văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án là tài sản bảo đảm do cơ quan thi hành án hoặc Văn phòng thừa phát lại gửi đến.
Nghị định 102/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 83/2010/NĐ-CP và bãi bỏ Điều 1 Nghị định 05/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012.
2. Thay đổi nội dung đánh giá chất lượng bồi dưỡng công chức
Đây là điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng công chức sẽ thực hiện theo quy định mới bao gồm các nội dung sau:
- Đánh giá chất lượng chương trình bồi dưỡng;
- Đánh giá chất lượng học viên tham gia khóa bồi dưỡng;
- Đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên tham gia khóa bồi dưỡng;
- Đánh giá chất lượng cơ sở vật chất phục vụ khóa bồi dưỡng;
- Đánh giá chất lượng khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
- Đánh giá hiệu quả sau bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị định 101/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 21/10/2017 và thay thế Nghị định 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010.
3. Quy định mới về hồ sơ mở ngành đào tạo đại học
Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.
Theo đó, hồ sơ mở ngành đào tạo đại học sẽ được thực hiện theo quy định mới như sau:
- Công văn đề nghị mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo;
- Quyết nghị của Hội đồng đại học (đối với phân hiệu, khoa trực thuộc ĐHQG, đại học vùng), Hội đồng trường (đối với cơ sở công lập), Hội đồng quản trị (đối với cơ sở ngoài công lập) về việc mở ngành mới;
- Đề án mở ngành đào tạo được xây dựng theo quy định tại Phụ lục III;
- Lý lịch khoa học của giảng viên cơ hữu theo mẫu tại Phụ lục IV và Phiếu tự đánh giá thực hiện các điều kiện mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo theo mẫu tại Phụ lục V;
- Minh chứng về nhu cầu xã hội đối với ngành dự kiến mở mới;
- Các minh chứng về xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo.
Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 23/10/2017.
4. Quy định mới về thời điểm chốt số liệu Báo cáo tài chính
Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 77/2017/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước.
Theo đó, thay đổi quy định về thời điểm chốt số liệu báo cáo tài chính từ ngày 10 của tháng tiếp theo thành ngày 05 của tháng tiếp theo (lấy theo ngày kết sổ).
Thời điểm chốt số liệu báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm được chia làm 2 giai đoạn:
- Chốt số liệu hết thời gian chỉnh lý quyết toán: Số liệu được lấy đến hết ngày 31/3 năm sau (lấy theo ngày kết sổ); quy định hiện hành tại Thông tư 08/2013 là lấy đến hết ngày 15/3 năm sau.
- Chốt số liệu quyết toán lần cuối cùng: Số liệu được lấy hết ngày 30/11 năm sau (lấy theo ngày kết sổ).
Thông tư 77/2017/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/9/2017.