1. Chính sách kinh tế, xã hội
Ngày 09/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và Nghị quyết 140/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2018.
Trong cả 02 Nghị quyết, Chính phủ đều nhấn mạnh vai trò chủ chốt của cán bộ, cơ quan và địa phương trong việc thực hiện minh bạch, chống tham nhũng, cắt giảm các “Chi phí không chính thức” nhằm cải thiện môi trường đầu tư, SX-KD.
Trước đó, ngày 08/11/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1497/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó:
Mục tiêu đến năm 2025, 100% các trang tin điện tử cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng Internet đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nội dung thông tin, xác thực người dùng.
Những chính sách này được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh quá trình cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý của nhà nước và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Các Nghị quyết và Quyết định nêu trên có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
2. Chính sách xuất, nhập khẩu
Ngày 12/11/2018, Bộ Công Thương đã ban hành 02 văn bản về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép có xuất xứ nước ngoài; cụ thể:
- Quyết định 4243/QĐ-BCT về việc giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
- Quyết định 4244/QĐ-BCT về việc giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân quốc.
Theo đó, vẫn giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối các sản phẩm thép có xuất xứ nêu trên đã được quy định tại Quyết định 3283/QĐ-BCT ngày 21/08/2017 và Quyết định 1105/QĐ-BCT ngày 30/03/2017.
Quyết định 4243/QĐ-BCT và Quyết định 4244/QĐ-BCT có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 01 năm kể từ ngày 02 Quyết định này có hiệu lực, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát.
3. Chính sách về điều kiện kinh doanh
Ngày 12/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Theo đó, các văn bản thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm sau đây sẽ bị bãi bỏ:
- Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012;
- Thông tư 16/2012/TT-BYT ngày 22/10/2012;
- Thông tư 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012;
- Thông tư 30/2012/TT-BYT ngày 05/12/2012;
- Thông tư 47/2014/TT-BYT ngày 11/12/2014.
Cùng với đó, Nghị định 155/2018/NĐ-CP cũng quy định sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung và bãi bỏ một số văn bản thuộc các lĩnh vực khác do Bộ Y tế quản lý, như: lĩnh vực dược, hành nghề khám, chữa bệnh,….
Nghị định 155/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ban hành.
Trước đó, ngày 09/11/2018, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Nghị định 154/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ban hành và bãi bỏ Nghị định 87/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.