Bản tin văn bản mới cập nhật |
1. Điều kiện chuyển cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã bổ sung quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, theo đó:
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp địa phương.
Việc chuyển đổi sang trồng cây lâu năm đồng thời phải đáp ứng các điều kiện khác như đối với trồng cây hằng năm, bao gồm:
- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;
- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch.
Nghị định 62/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
2. Chiếm đoạt xe ô tô công có thể bị phạt tới 20 triệu đồng
Đây là nội dung mới tại Nghị định 63/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
Theo đó, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu chiếm đoạt xe ô tô công, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Chiếm đoạt tài sản công có giá trị dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng; tài sản công có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Như vậy, quy định này đã phân rõ từng mức phạt tương ứng với giá trị của tài sản công bị chiếm đoạt (quy định hiện hành chỉ áp dụng một mức phạt đối với mọi tài sản công).
Nghị định 63/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
3. Ban hành danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm
Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL ban hành Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, Danh mục hoạt động thể thao mạo hiểm.
Theo đó, thể thao mạo hiểm gồm 10 hoạt động tập luyện, thi đấu sau:
- Dù lượn có động cơ;
- Dù lượn không có động cơ;
- Diều bay có động cơ;
- Diều bay không có động cơ;
- Leo núi tự nhiên;
- Lặn biển thể thao giải trí;
- Mô tô nước trên biển;
- Ô tô thể thao địa hình;
- Mô tô thể thao;
- Xe đạp địa hình.
Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
4. Bộ Quốc phòng ban hành 24 TTHC mới về khám, chữa bệnh
Quyết định 2887/QĐ-BQP công bố TTHC mới ban hành, bị bãi bỏ lĩnh vực khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Theo đó, công bố 24 thủ tục hành chính mới ban hành thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh do Bộ Quốc phòng quản lý; đơn cử như:
- Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Thủ tục cấp, bổ sung kỹ thuật chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Thủ tục cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng.
- Thủ tục cấp giấy phép hoạt động đối với trung tâm thuộc Bộ Quốc phòng;
- Thủ tục cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa thuộc Bộ Quốc phòng;...
Quyết định này đồng thời bãi bỏ 13 thủ tục hành chính cùng lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Xem chi tiết tại Quyết định 2887/QĐ-BQP (có hiệu lực từ ngày 24/7/2019 và bãi bỏ Quyết định 2166/QĐ-BQP ngày 11/6/2014).